Hội thảo Báo cáo Tiến độ đợt 1: Ngân hàng Cát & Kế hoạch Duy trì Ổn định Hình thái Sông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Posted on 18 July 2022

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/7/2022 - Dự án Quản lý Cát Bền vững ở ĐBSCL do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Phòng Chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thực hiện, đã tổ chức buổi Hội thảo Báo cáo tiến độ đợt 1 của hai hoạt động Xây dựng Ngân hàng Cát và Kế hoạch Duy trì Ổn định Hình thái Sông ở ĐBSCL.
A. DỰ ÁN QUẢN LÝ CÁT BỀN VỮNG Ở ĐBSCL (IKI SMP)
Dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”, gọi tắt là Dự án quản lý Khai thác Cát Bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam. Hai hoạt động chính của dự án là Xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCL và Kế hoạch Duy trì Ổn định hình thái sông Khu vực ĐBSCL, được xem là những nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về đề tài này được thực hiện ở quy mô toàn đồng bằng. Phạm vi thực hiện nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh thành ở ĐBSCL, trong đó 1 tỉnh thành sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của dự án vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của tỉnh.

Xem thêm thông tin về dự án tại đây.

B. NGÂN HÀNG CÁT
1. Định nghĩa
ĐBSCL là một vùng đất phù sa mới được kiến tạo bởi sự lắng đọng của các lớp trầm tích chảy về từ thượng nguồn. Hệ thống sông ngòi chằng chịt  có chức năng vận chuyển và phân bố lượng trầm tích này ra toàn đồng bằng, cân bằng lại quá trình sụt lún tự nhiên khoảng 2cm diễn ra hằng năm (Viện KHTL miền Nam), cung cấp thức ăn, dinh dưỡng cho các loài sinh vật và thực vật của đồng bằng. Việc khai thác cát  quá mức đồng nghĩa với việc lấy đi lớp trầm tích quý giá này, đặc biệt với tốc độ khai thác 28 - 40 triệu tấn / năm, ĐBSCL đang bị thâm hụt cát nghiêm trọng từ 27,5 - 40 triệu tấn / năm (Hackney và cộng sự, 2020) gây xói lở, sụt lún bờ sông, bờ biển. Dù vậy, việc khai thác cát không thể dừng lại một sớm một chiều do nhu cầu mạnh mẽ về phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Cát là kết quả của các nghiên cứu về sự cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và hiện có với lượng cát mất đi do khai thác và đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền và sông Hậu, từ đó ước tính trữ lượng cát có thể khai thác được mà vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững của đồng bằng của năm 2022, năm 2030 tầm nhìn đến 2050. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sẽ ghi lại biến động theo mùa của dòng chảy, liên kết số liệu để hiểu được sự di chuyển của cát trên hệ thống sông chính.

2. Phương pháp thực hiện
Để có được đánh giá về ngân hàng cát tại ĐBSCL, cần xác định 3 yếu tố: (1) Lượng cát đến đồng bằng; (2) Lượng cát đổ ra biển (3) Tổng lượng cát khai thác ở đồng bằng. Cụ thể hơn, hoạt động xây dựng Ngân hàng Cát bao gồm việc đo đạc, quan trắc nguồn cung cấp trầm tích (chủ yếu là cát) cho ĐBSCL, ước tính thực tế về khối lượng khai thác cát bằng phân tích hình ảnh vệ tinh cộng với số liệu khối lượng cát khai thác cấp phép từ các tỉnh, và xác định trữ lượng cát hiện có của ĐBSCL thông qua đo đạc địa chấn tầng nông và đánh giá sự trao đổi trầm tích với biển (sử dụng mô hình và dữ liệu) và thu thập dữ liệu từ các đối tác như Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TNMT và các địa phương, Ủy hội sông Mekong.

3. Kết quả bước đầu: Tài liệu báo cáo
  1. Đo đạc bổ sung dữ liệu mùa khô tại 4 trạm lưu lượng, 9 trạm bùn cát và lấy mẫu bùn cát đáy; đo đạc vận chuyển cát đáy đa tia tại 4 vị trí Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cần Thơ (Cần Thơ), Tân Châu (An Giang) và Châu Đốc (An Giang); 550 km đo đạc địa chấn tầng đáy, 45 mẫu cát đáy, 35 mặt cắt ngang sông (xác định trữ lượng cát đáy) dọc theo sông Tiền và sông Hậu.
  2. Đo đạc dữ liệu thường xuyên trong năm 2022: 9 trạm mực nước; 5 trạm lưu lượng.
  3. Thu thập dữ liệu trong quá khứ (thủy văn, địa hình, bùn cát,...) 
  4. Tham vấn với các bên liên quan (các Bộ ngành và chính quyền địa phương).
  5. Hoàn thành công việc xử lý số liệu đầu vào phục vụ mô hình và 50% các công việc liên quan đến thiết lập mô hình tính toán trữ lượng ngân hàng cát cho ĐBSCL.
4. Cơ hội lồng ghép Ngân hàng Cát vào Luật Khoáng sản sửa đổi: Nội dung trình bày của Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ TNMT
Kết quả của Dự án sẽ đóng góp những nội dung rất có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi. Cụ thể như sau:
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng / tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát sỏi) cho ĐBSCL với sự phối hợp với các đối tác quan trọng.
  • Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL.
  • Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.
  • Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

C. KẾ HOẠCH DUY TRÌ ỔN ĐỊNH HÌNH THÁI SÔNG (RGSPlan) 
1. Định nghĩa
Mỗi con sông đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển trầm tích và các vật liệu tự nhiên đến các đồng bằng và vùng duyên hải, hình thành nên một hệ sinh thái đa dạng nuôi sống nhiều loài động thực vật. Hình thái sông được hình thành do ảnh hưởng kết hợp của dòng chảy và tải lượng phù sa trong sông, do đó, dễ dàng thay đổi nếu 1 trong hai yếu tố này biến động. Không những làm thay đổi tải lượng phù sa trong sông, nạo vét cát lòng sông đã và đang khai thác đến lượng trầm tích dự trữ qua hàng triệu năm, khiến địa mạo hình thái sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với những hố sâu lên đến hơn 50 mét
Kế hoạch Duy trì Ổn định Hình thái Sông (RGSPlan) đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cơ quan quản lý hiện nay về một kế hoạch hành động nhằm cân bằng nhu cầu cát và hạn chế các tác động của việc khai thác bằng cách xác định các địa điểm khả thi để khai thác cát mà vẫn đảm bảo rủi ro sạt lở ở mức thấp. 

2. Phương pháp thực hiện
Việc xây dựng Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các hoạt động chính sau:
  1. Phối hợp với hoạt động của gói Ngân hàng Cát và Thu thập số liệu, dữ liệu; Tham vấn các bên liên quan (Bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh,...).
  2. Điều tra, phân tích diễn biến hình thái thủy văn; Địa hình, mặt cắt ngang sông; Thu thập số liệu phục vụ mô hình hóa tác động của việc khai thác cát.
  3. Hỗ trợ thí điểm ở một tỉnh thuộc ĐBSCL.
  4. Xây dựng mô hình thay đổi hình thái sông; Phân tích quá trình địa mạo hình thái sông (đề xuất và khuyến nghị); Xác định giải pháp công trình và phi công trình.
  5. Xây dựng tài liệu đào tạo cơ bản về khai thác cát bền vững ở ĐBSCL và thí điểm đào tạo với chính quyền cấp tỉnh có trách nhiệm cấp phép khai thác cát. 
3. Kết quả bước đầu: Tài liệu báo cáo
  1. Thu thập tài liệu từ 11 đề tài nghiên cứu liên quan đến ĐBSCL (thủy văn, bùn cát, địa hình, mặt cắt,...) được thực hiện trong giai đoạn 2004-2020.
  2. 372 km (745 mặt cắt) dữ liệu mặt cắt ngang sông dọc theo sông Tiền (252 km)  và sông Hậu (120 km) đã được đo đạc.
  3. Khảo sát và tư liệu hóa vị trí và hiện trạng  các công trình bảo vệ bờ sông  tại ĐBSCL.
  4. Tham vấn với các bên liên quan (các Bộ ngành và chính quyền địa phương).
  5. Hoàn thành xử lý số liệu đầu vào phục vụ và thiết lập mô hình toán thay đổi hình thái sông cho ĐBSCL.

D. CƠ HỘI TÍCH HỢP CÁC KẾT QUẢ TỪ NGÂN HÀNG CÁT VÀ RGSPLAN VÀO QUY HOẠCH TÍCH HỢP TỔNG THỂ VÙNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐBSCL: Nội dung trình bày của Bộ KHĐT

Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho việc phát triển vùng trong giai đoạn tới, đặc biệt là hệ thống mạng lưới đường giao thông, hệ thống đường cao tốc sẽ có nhu cầu rất lớn về nguồn vật liệu xây dựng trong đó có cát.
Kết quả nghiên cứu Ngân hàng Cát và RGSPlan sẽ là một cơ sở khoa học hữu hiệu để ra những quyết sách về khai thác vật liệu xây dựng nói chung và khai thác cát nói riêng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của khu vực.

Tải toàn bộ Tài liệu hội thảo tại ĐÂY.
Hội thảo Báo cáo Tiến độ đợt 1: Ngân hàng Cát & Kế hoạch Duy trì Ổn định Hình thái Sông ở ĐBSCL
© WWF-Viet Nam
Đại biểu tham dự hội thảo
© WWF-Viet Nam