HỘI THẢO VỀ THAM VẤN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29/CT-TTG NGÀY 23/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Posted on 19 December 2022

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người” (Dự án Voice for Diversity - VfD).
Ngày 13/12/2022, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã phối hợp cùng với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp với sự tham gia của hơn 50 đại biểu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục An ninh kinh tế, Cục Đối ngoại, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường  - Bộ Công an, Cục Đối ngoại - Bộ Ngoại giao, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao; cán bộ chi cục kiểm lâm, cảnh sát môi trường của 12 tỉnh đại diện cả 3 miền của đất nước; Hiệp hội vườn thú Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp, các Vườn quốc gia; đại diện đến từ các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên như Save Vietnam’s Wildlife, GreenViet, PanNature, WWF, TRAFFIC, HSI…

Theo ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES tại Việt Nam: “Đến nay, qua hai năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg, công tác quản lý động vật hoang dã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nhận được nhiều văn bản ý kiến của các cơ quan, tổ chức trong nước đề nghị cần phải có điều chỉnh các nội dung của Chỉ thị 29 cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ đã giao Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES phối hợp với các bên liên quan để thực hiện đánh giá kết quả thực hiện và xác định rõ các vấn đề tồn tại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có các chỉ đạo điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.”

Dự thảo của Báo cáo đánh giá đã nêu rõ: “Việc xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg chính là việc tổng kết các kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện trong công tác quản lý động vật hoang dã từ công tác xây dựng chính sách, triển khai trên thực tiễn, thực thi pháp luật, kiểm tra giám sát, nâng cao nhận thực…, đồng thời xác định các vướng mắc, tồn tại và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho quá trình quản lý và thực thi pháp luật trong thời gian tới…”

Tại Hội thảo, một số đại diện vườn thú đề xuất sửa đổi mục 1 của Chỉ thị 29 để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu động vật hoang dã phục vụ mục đích trưng bày, nhân nuôi, bảo tồn. Đại diện Cục Y tế dự phòng và các tổ chức phi chính phủ cho rằng việc mở cửa cho phép nhập khẩu động vật hoang dã cần phải dựa vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và lộ trình từng bước thực hiện, cần đánh giá các loài có nguy cơ gây dịch bệnh để vừa kiểm soát việc xuất nhập khẩu, bảo tồn nguồn gen, vừa giữ sức khoẻ an toàn cho con người tránh trường hợp vì nhập khẩu động vật hoang dã mà cả xã hội phải mất mát quá lớn về tính mạng con người và nguồn lực quá lớn để chống chọi dịch bệnh như dịch Covid-19 vừa qua. 

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu tham dự cũng có nhiều phân tích,  kiến nghị về việc hoàn thiện các quy định pháp luật, các điều kiện hỗ trợ thực thi pháp luật về quản lý động vật hoang dã, kiểm soát các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, tăng cường quyết tâm chính trị của các địa phương trong việc dẹp bỏ các chợ, tụ điểm có hoạt động buôn bán ĐVHD, bao gồm cả các hoạt động buôn bán trên không gian mạng.

Đa số các đại biểu đồng tình với đề xuất cần nâng cao các chỉ đạo của Thủ tướng vào một văn bản có hiệu lực cao hơn như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã giai đoạn 2023-2030.

Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES tại Việt Nam sẽ phối hợp cùng WWF – Việt Nam nghiên cứu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện báo cáo trong thời gian tới để trình cấp có thẩm quyền xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 
Toàn cảnh Hội thảo
© WWF-Việt Nam
Các đại biểu tham dự Hội thảo
© WWF-Việt Nam