CHƯƠNG TRÌNH DANH LỤC XANH IUCN DÀNH CHO CÁC KHU BẢO VỆ VÀ BẢO TỒN

Posted on June, 21 2024

Vườn Quốc gia Cát Tiên, ngày 21 tháng 06 năm 2024, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên là Khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN sau quá trình đánh giá toàn diện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Quốc Trị và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Susan Burns.

“Cát Tiên là Vườn Quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh của IUCN. Sự công nhận này thể hiện cam kết của chúng tôi trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.” Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên chia sẻ.

Châu Á chiếm 50% số lượng các VQG và Khu Bảo tồn (KBT) được công nhận danh hiệu Danh lục Xanh trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục Xanh (từ năm 2015), cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc VQG Cát Tiên đạt danh hiệu này đã đánh dấu một bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Vườn Quốc gia Cát Tiên đã dành nhiều năm nỗ lực không ngừng để tiến tới danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Hành trình của VQG Cát Tiên hướng tới Danh lục Xanh IUCN bắt đầu với việc đánh giá các biện pháp bảo tồn, bao gồm bảo vệ các loài đang nguy cấp và gìn giữ sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây. Vườn Quốc gia đã tiến hành thực hiện các dự án phục hồi giám sát đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và bảo tồn loài.

Các chương trình và sáng kiến ​​giáo dục môi trường đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, thành viên cộng đồng địa phương cũng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, mang lại cho họ cơ hội phát triển sinh kế bền vững. Hơn nữa, VQG Cát Tiên đã tăng cường các hoạt động quản lý bằng cách tăng cường khả năng giám sát và thực thi. Vườn Quốc gia đã ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra bảo vệ và giám sát động vật hoang dã. Đội ngũ nhân viên của VQG thường xuyên được tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn để quản lý và bảo vệ khu vực này một cách hiệu quả.

Cách tiếp cận toàn diện đã đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của VQG Cát Tiên khi được đề cử vào Danh lục Xanh của IUCN, định hình một chuẩn mực cao cho các KBT tại Việt Nam và mở rộng tầm ảnh hưởng ra xa hơn nữa. 

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án VFBC do USAID tài trợ đã hỗ trợ VQG Cát Tiên cũng như 20 khu vực dự án khác điều tra đa dạng sinh học với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam; tăng cường năng lực, đầu tư vào công nghệ và thiết bị, chẳng hạn như hỗ trợ triển khai Công cụ Quản lý Dữ liệu và Báo cáo Tuần tra (SMART) phục vụ công tác giám sát đa dạng sinh học và hoạt động tuần tra nhằm cải thiện hiệu quả quản lý Vườn Quốc gia; thành lập các đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (CPT); thiết lập một cơ chế quản lý hợp tác để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, là cơ sở để thúc đẩy quản lý hiệu quả, đạt được kết quả bảo tồn thành công và đảm bảo rằng những người dân sống gần VQG tham gia một cách tích cực vào quá trình quyết định liên quan tới công tác bảo tồn. 

Ngoài ra, dự án cũng đã hỗ trợ các KBT ở Việt Nam tham gia tiến trình đánh giá Danh lục Xanh của IUCN. VQG Cát Tiên và các KBT thuộc dự án được hưởng lợi từ sự hỗ trợ này bao gồm VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu Dự trữ Thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, và VQG Bidoup - Núi Bà.

“Vườn Quốc gia Cát Tiên đạt được danh hiệu Danh lục Xanh của IUCN là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với các VQG và các KBT thiên nhiên mà còn đối với cộng đồng bảo tồn ở Việt Nam. Thành tựu chứng minh cam kết của dự án VFBC trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam. Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với các VQG và KBT thiên nhiên theo đuổi danh hiệu Danh lục Xanh IUCN trong thời gian còn lại của Dự án”, Ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đơn vị được giao làm chủ dự án chia sẻ.

Nguồn ngân sách nhà nước có hạn không thể đáp ứng được các nhu cầu hạ tầng, nhân lực, đào tạo kỹ năng, nâng cấp công nghệ..v..v.. phục vụ quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Do vậy sự hỗ trợ kỹ thuật của Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC (do USAID tài trợ) là một lợi thế đáng kể. Việc này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn đảm bảo quá trình đánh giá được diễn ra suôn sẻ, qua đó tạo dựng nền tảng vững chắc hơn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết: “Bảo tồn là một phần quan trọng của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam. Các dự án về lâm nghiệp và đa dạng sinh học của USAID giúp bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng cho sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và cải thiện cuộc sống của những người phụ thuộc vào chúng. Trong hơn một thập kỷ qua, USAID đã giúp Việt Nam bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu bằng cách chống lại nạn săn bắt trái phép, bảo vệ môi trường sống cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng và huy động nguồn lực trong nước để bảo tồn rừng. Sự hỗ trợ của USAID cho các khu vực như Vườn Quốc gia Cát Tiên thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thể hiện cam kết chung giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước.”

Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam phát biểu: “Việc đạt danh hiệu Danh lục Xanh là một minh chứng rõ ràng cho những tiến bộ vượt bậc về công tác quản lý mà VQG Cát Tiên đã đạt được trong hai năm vừa qua, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và USAID. Danh lục Xanh đề ra những tiêu chí khắt khe nhất để đánh giá các hoạt động bảo tồn và công tác quản lý các KBT. Do vậy, việc tuân thủ những tiêu chí này sẽ giúp các KBT đo lường tiến độ và tác động của các hoạt động, từ đó xác định được các ưu tiên bảo tồn trong tương lai. Với sự hỗ trợ từ Dự án, do USAID tài trợ, thực hiện bởi WWF-Việt Nam, các KBT tại Việt Nam có thể nâng cao chất lượng quản lý nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.”

Danh lục Xanh IUCN là một bộ Tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ghi nhận các KBT đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công. Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh đảm bảo, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số, được chia thành 04 lĩnh vực: quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công. Quá trình đánh giá Danh lục Xanh được thực hiện bởi một ban chuyên gia đánh giá độc lập, với sự giám sát chặt chẽ của IUCN. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh vẫn duy trì tính nhất quán trên toàn cầu nhưng được điều chỉnh và áp dụng theo bối cảnh địa phương. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh được sử dụng để phân tích khoảng trống trong công tác quản trị để các nhà quản lý có thể đưa ra những giải pháp cải thiện công tác quản lý qua các kết quả hoạt động.

“Đạt được chứng nhận Danh lục Xanh không chỉ là theo đuổi một danh hiệu mà thể hiện sự cam kết lâu dài và kiên trì: Việc thu thập bằng chứng chứng minh sự tuân thủ 17 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn là điều rất phức tạp. Thực tế, hai trong ba danh hiệu Danh lục Xanh ở Đông Nam Á thuộc về Việt Nam (KBT Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 2021). Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao tiêu chuẩn quản lý các Khu bảo tồn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các khu bảo tồn khác để hoàn thiện hồ sơ Danh lục Xanh cho tới cuối năm 2025.” ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu sông Mekong chia sẻ. 


------------------------
Giới thiệu
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và Bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình Danh lục Xanh IUCN. Thông tin báo chí này nhằm mục đích cung cấp thông tin cập nhật cho các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan báo chí về tiến trình chứng nhận Danh lục Xanh IUCN của các ứng cử viên tại Việt Nam. Quyết định XIII/2 của Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) đã ghi rõ “Chương trình Danh lục xanh IUCN cho các Khu bảo vê và Bảo tồn là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm thúc đẩy và khuyến khích quản lý hiệu quả các Khu bảo tồn”.

Danh lục Xanh IUCN là gì và những thành tựu đã đạt được là gì? 
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công. Trọng tâm của Danh lục Xanh là Tiêu chuẩn Bền vững Danh lục Xanh, đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về cách đáp ứng những thách thức quản lý các Khu bảo vệ và Bảo tồn trong thế kỷ 21. Mục tiêu của Chương trình Danh lục Xanh IUCN là công nhận và tăng số lượng các Khu bảo vệ và Bảo tồn đạt được kết quả bảo tồn lâu dài cho con người và thiên nhiên. Danh lục Xanh được đồng chủ trì bởi Ủy ban Thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN (WCPA) và Ban Thư ký IUCN.

Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN gồm bốn hợp phần:
1. Quản trị tốt
2. Thiết kế và lập kế hoạch tốt
3. Quản lý hiệu quả
4. Kết quả bảo tồn thành công
 
Ba hợp phần đầu tiên hỗ trợ cho hợp phần thứ tư. Mỗi hợp phần được hỗ trợ bởi các tiêu chí và chỉ số để đo lường thành tựu. Có 17 tiêu chí với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần.
 
Kể từ khi Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN được khởi động tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới IUCN 2016, tiêu chuẩn này đã đạt được những kết quả toàn cầu như sau:
  • 77 khu Khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục Xanh (tính đến cuối năm 2023).
  • Hơn 300 Khu bảo vệ và Bảo tồn tham gia vào Chương trình Danh lục Xanh của IUCN, trong đó 108 khu chính thức tham gia (số lượng ước tính các khu và mạng lưới các khu đã đăng ký chính thức và không chính thức),
  • Hơn 60 quốc gia tham gia vào cộng đồng Danh lục Xanh IUCN.
  • 31 KBT đã được chứng nhận Danh lục Xanh tại 10 quốc gia ở Châu Á: Bhutan, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc và Việt Nam.
Danh lục Xanh IUCN khác với các danh hiệu khác như thế nào?
Không giống như các danh hiệu khác như Di sản Thế giới và Khu dự trữ Sinh quyển, Danh lục Xanh IUCN hỗ trợ bảo tồn thành công các Khu bảo vệ và Bảo tồn bằng cách chứng nhận, khuyến khích và nâng cao năng lực để đạt được tác động cụ thể cho cả khía cạnh pháp lý, văn hóa, xã hội, địa lý và sinh thái. Điều này giúp đưa ra tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý mang tính định lượng, đồng bộ và bao trùm các khía cạnh của bảo tồn theo khu vực.
 
Một Khu bảo vệ và Bảo tồn sẽ đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN sau khi đạt được những kết quả bảo tồn liên tục cho con người và thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả. Bất kỳ Khu bảo tồn nào cũng có thể tham gia Danh lục Xanh, nỗ lực để đạt được thành công, sau đó duy trì tiêu chuẩn hoặc cải thiện hơn nữa.

Danh lục Xanh đánh giá như thế nào? 
Quá trình đánh giá của uỷ ban Danh lục Xanh IUCN bao gồm ba giai đoạn: Giai đoạn Đăng ký, Giai đoạn Ứng viên và Giai đoạn Danh lục xanh. Một Khu bảo tồn sẽ trở thành một phần của Chương trình Danh lục Xanh của IUCN khi bước vào Giai đoạn Đăng kí. Từng giai đoạn được đánh giá độc lập bởi Nhóm Chuyên gia Đánh giá về Danh lục xanh (EAGL) và người thẩm định độc lập.

EAGL là các chuyên gia do Ủy ban Thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN thành lập và được chỉ định phê duyệt bởi một người thẩm định. Nhiệm vụ chính của nhóm chuyên gia EAGL là đảm bảo Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN có thể áp dụng trong phạm vi quyền hạn của nhóm và đánh giá các Khu bảo tồn theo các chỉ số của bộ Tiêu chuẩn.
 
Nhóm EAGL Việt Nam được thành lập vào tháng 4 năm 2017. Vào tháng 11/2023, EAGL có 11 thành viên có chuyên môn về đa dạng sinh học, quản lý khu bảo tồn, khoa học xã hội, dân tộc và bình đẳng giới. Nhóm đã đánh giá Khu bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long và Vườn quốc gia Cát Tiên. Khu bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long đã nhận được chứng nhận Danh lục Xanh IUCN vào năm 2019.
 
Người thẩm định là các kiểm toán viên độc lập có năng lực hoặc cá nhân có kinh nghiệm liên quan. Vai trò chính của họ là đảm bảo rằng các quy tắc và thủ tục trong Sổ tay Người sử dụng được áp dụng nhất quán trong quy trình Danh lục Xanh. Hiện tại, Assurance Services International (ASI) là đơn vị cung cấp dịch vụ này với các đại diện ở mỗi quốc gia nơi Danh lục Xanh đang được triển khai.

Sự tham gia của Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, Vân Long là Khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh.
 
Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và Bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh gồm Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Hai khu đang trong Giai đoạn Đăng ký (VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát) và các khu còn lại đang trong Giai đoạn Ứng viên.
 
Vườn quốc gia Cát Tiên hiện là khu bảo tồn đang ở bước gần nhất với Giai đoạn Danh lục Xanh. Cát Tiên là khu nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu. Tại các cuộc họp nhóm chuyên gia EAGL vào tháng 4 và tháng 9 năm 2023, hồ sơ Cát Tiên đã được xem xét kỹ lưỡng và toàn bộ chuyên gia EAGL đều thông qua quyết định đề cử vườn quốc gia Cát Tiên. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12 năm 2023 và trình lên Ủy ban Danh lục Xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu Danh lục Xanh.

Lợi ích cho Việt Nam
  • Sự công nhận quốc tế: Danh hiệu Danh lục Xanh IUCN được quốc tế công nhận, thu hút sự chú ý đến cam kết của Việt Nam đối với bảo tồn đa dạng sinh học.
  • Du lịch và phát triển bền vững: Các khu được chứng nhận danh hiệu Danh lục Xanh thường có lượng khách du lịch tăng, đóng góp cho nền kinh tế địa phương đồng thời đảm bảo hài hòa các hoạt động phát triển bền vững.
  • Quản trị tốt: trong Danh lục Xanh bao gồm yếu tố bao trùm, công bằng và quyền. Đem lại tiếng nói cho những người quan trọng trong bảo tồn, và gìn giữ các nỗ lực bảo tồn theo khu vực.
  • Công cụ Kiểm soát tính Hiệu quả (METT): sẽ mang ít tính chủ quan hơn. Nhờ đó, sẽ cung cấp một biện pháp quản lý hiệu quả đồng bộ hơn, có thể so sánh ở quy mô toàn cầu, và các tổ chức tài trợ như Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Quỹ Biến đổi Khí hậu Toàn cầu (GCG) có thể sử dụng khi cung cấp tài chính cho các Khu bảo tồn.
  • Cơ hội kết nối và học hỏi: Việc tham gia Danh lục Xanh IUCN mở ra cánh cửa hợp tác quốc tế, trao đổi kiến thức và tiếp cận nguồn tài trợ cho các dự án bảo tồn.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ hỗ trợ các Khu bảo tồn ở Việt Nam đạt được sự chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN về bảo tồn đa dạng sinh học 
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các khu vực dự án đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN. Các khu vực dự án bao gồm: Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên.
 
Theo quy định của Danh lục Xanh IUCN, Ban quản lý các Khu bảo tồn chịu trách nhiệm về quá trình đánh giá. Điều này đòi hỏi nỗ lực đáng kể liên quan đến thu thập bằng chứng, soạn thảo tài liệu, tổ chức các cuộc họp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm chuyên gia EAGL đến thăm hiện trường.
 
Hiện tại, nguồn tài chính cho các Khu bảo tồn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và không có nguồn ngân sách dành riêng cho giám sát và đánh giá. Do đó, sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ là một lợi thế lớn cho các khu vực dự án. Việc tài trợ này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn đảm bảo rằng quá trình đánh giá được tiến hành thông suốt, thúc đẩy nền tảng vững chắc hơn cho việc bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Khi Danh lục Xanh IUCN trở thành chuẩn mực để đánh giá hiệu quả công tác quản lý Khu bảo tồn thì Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ sẽ góp phần gia tăng cơ hội tài trợ dài hạn của chính phủ dành cho Danh lục Xanh IUCN.
 
Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID Việt Nam, chia sẻ: “Các chương trình về bảo tồn đa dạng sinh học của USAID tại Việt Nam đang hỗ trợ các khu bảo tồn có phương pháp quản lý tốt, giống như các khu bảo tồn theo tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN, và có các sáng kiến và thực hành tốt về bảo tồn. Kết quả từ đợt khảo sát bằng bẫy ảnh gần đây cho thấy vườn quốc gia Cát Tiên có các kết qủa tốt và minh chứng một điều là những đầu tư dài hạn vào cải thiện công tác quản lý của các khu bảo tồn đem lại kết quả tích cực về bảo tồn. Đó là lý do tại sao Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua USAID đang hợp tác với vườn quốc gia Cát Tiên trong quá trình đánh giá Danh lục Xanh. USAID dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các vườn quốc gia ứng viên để đạt được danh hiệu Danh lục Xanh để chứng minh tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của Danh lục Xanh”
 
“Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào nhân sự và cơ sở hạ tầng cho các Khu bảo tồn, tuy nhiên động vật hoang dã vẫn tiếp tục biến mất thông qua kết quả của điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh được thực hiện bởi Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ. Điều cần làm bây giờ là tập trung đổi mới vào hiệu quả quản lý các Khu bảo tồn mà Danh lục Xanh IUCN đã thiết kế để đánh giá và báo cáo. Thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, IUCN tự hào được hỗ trợ 8 khu bảo tồn tham gia Chương trình Danh lục Xanh IUCN”, ông Jake Brunner – Giám đốc, IUCN Khu vực Hạ lưu sông Mê Kông và Trưởng đại diện Việt Nam chia sẻ.
 
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ, WWF nhấn mạnh: "Đo lường tiến độ và tác động bảo tồn là rất quan trọng để cải thiện hiệu quả công tác bảo tồn tổng thể của các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN giúp các chủ rừng biết được những điểm cần cải thiện nếu khu bảo tồn của họ đạt được tiêu chuẩn quản lý quốc tế.”
 
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ không chỉ đơn thuần là hỗ trợ tài chính mà còn cung cấp lộ trình để tích hợp Danh lục Xanh IUCN vào các chính sách và kế hoạch quản lý khu vực dự án, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của các khu bảo tồn, thiết lập di sản về quản lý và phục hồi môi trường.

Kết luận
Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình mang tầm cỡ quốc tế như Danh lục Xanh là minh chứng cho sự cống hiến của Việt Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học phong phú và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong quá trình đánh giá vẫn đang diễn ra, cộng đồng quốc tế rất mong chờ kết quả và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Đại diện IUCN trao tặng chứng nhận Danh lục Xanh cho VQG Cát Tiên
© USAID Biodiversity Conservation/ WWF-Viet Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - bà Susan Burns, đại diện USAID tại Việt Nam, IUCN Việt Nam và WWF Việt Nam trao tặng bảng danh hiệu Danh lục Xanh đặt tại VQG Cát Tiên
© USAID Biodiversity Conservation/ WWF-Viet Nam
Tọa đàm Chương trình Danh lục Xanh IUCN tại Việt Nam
© USAID Biodiversity Conservation / WWF- Viet Nam
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ phát biểu
© USAID Biodiversity Conservation / WWF- Viet Nam
Danh lục Xanh IUCN có những điểm khác biệt so với các danh hiệu khác
© USAID Biodiversity Conservation / WWF- Viet Nam
Bên cạnh VQG Cát Tiên, hiện tại có 10 khu Bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh
© USAID Biodiversity Conservation / WWF- Viet Nam