Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF năm 2024

Posted on October, 10 2024

73% quần thể các loài hoang dã đã suy giảm trong vòng 50 năm qua
  • Các quần thể loài hoang dã được giám sát ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã suy giảm -60%. Con số này tại châu Mỹ Latinh và Caribe là -95%, châu Phi -76%.
  • Báo cáo cảnh tỉnh 'hệ sinh thái đang lâm nguy’ khi trái đất đang tiến đến những điểm bùng phát nguy hiểm, không thể đảo ngược, do mất thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
  • WWF: Những gì xảy ra trong năm năm tới sẽ rất hệ trọng đối với tương lai của sự sống trên Trái đất nhưng chúng ta có khả năng  và cơ hội để thay đổi quỹ đạo này.
GLAND, Thụy Sĩ (ngày 10 tháng 10 năm 2024) - Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF 2024 (Báo cáo LPR), quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát* đã giảm thảm khốc, 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020). Báo cáo cảnh báo: Trái đất đang tiến gần đến điểm bùng phát nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại, do đó cần một nỗ lực chung, ở quy mô lớn trong năm năm tới để giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và thiên nhiên.
 
Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) cung cấp gần 35.000 xu hướng quần thể của 5.495 loài từ năm 1970-2020. Sự suy giảm mạnh nhất là ở các hệ sinh thái nước ngọt (-85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (-69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (-56%). Mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất với quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới là mất và suy thoái sinh cảnh, chủ yếu do hệ thống sản xuất lương thực của chúng ta gây ra. Các mối đe doạ tiếp theo là từ khai thác quá mức, các loài xâm hại và bệnh tật. Quần thể động vật hoang dã ở Mỹ Latinh và Caribe còn bị một mối đe doạ đặc biệt nữa là biến đổi khí hậu. Nơi đây đã ghi nhận mức suy giảm trung bình đáng kinh ngạc là 95%.
 
Ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các Loài Hoang dã và Phòng chống Buôn bán ĐVHD của WWF tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết:Châu Á – Thái Bình Dương có các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay và cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, áp lực lên thiên nhiên ngày càng gia tăng. Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 cho chúng ta thấy tác động sâu sắc của những điều này, với tốc độ suy giảm các quần thể hoang dã trong khu vực nhanh chưa từng có.
 
Nhưng cũng trong khu vực này, có rất nhiều giải pháp giúp chúng ta tránh được điểm bùng phát nguy hiểm. Nhiều mô hình bảo tồn thiên nhiên, do người dân bản địa và cộng đồng địa phương thực hiện, đã chứng minh thiên nhiên là một phần quan trọng của phát triển và tăng trưởng kinh tế. Nếu như chúng ta có thể mở rộng quy mô bảo tồn hiệu quả và toàn diện, đồng thời giải quyết được các yếu tố tác động tới biến đổi khí hậu và mất thiên nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đảo ngược tình huống.” 

 
Sự suy giảm quần thể động vật hoang dã có thể là một cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng gia tăng và khả năng mất đi các hệ sinh thái khỏe mạnh. Khi các hệ sinh thái bị phá hủy, chúng sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà con người phụ thuộc vào như không khí, nước sạch và đất đai màu mỡ để canh tác. Và kéo theo hệ quả là các hệ sinh thái này càng dễ đẩy tới các điểm bùng phát - nghĩa là bị đẩy quá giới hạn quan trọng, dẫn đến những thay đổi lớn và ít có khả năng đảo ngược. 
 
LPI cũng cho thấy một số quần thể đã ổn định hoặc tăng lên do các nỗ lực bảo tồn hiệu quả, ví dụ như sự gia tăng khoảng 3% mỗi năm, từ năm 2010-2016, của quần thể khỉ đột núi tại dãy núi Virunga ở Đông Phi và sự phục hồi của quần thể bò rừng châu Âu ở Trung Âu. Tuy nhiên, những thành công riêng lẻ này là chưa đủ.
 
Các quốc gia đã thống nhất về các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng, hướng tới ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất thiên nhiên (Khung đa dạng Sinh học Toàn cầu), hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5ºC (Thỏa thuận Paris) và xóa đói giảm nghèo (Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc). Tuy nhiên, Báo cáo Sức sống Hành tinh cho thấy các cam kết và hành động quốc gia trên thực tế còn cách xa so với những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu vào năm 2030 và để tránh các điểm bùng phát nguy hiểm.
 
Các hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đa dạng sinh học và khí hậu diễn ra trong năm nay - COP16 và COP29 - là cơ hội để các quốc gia cùng vươn lên để đối mặt với thách thức. WWF đang kêu gọi các quốc gia đặt tham vọng cao hơn trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch quốc gia cho thiên nhiên và khí hậu (NBSAP và NDC) bao gồm các giải pháp giảm tiêu thụ quá mức trên toàn cầu, ngăn chặn và đảo ngược xu hướng mất đa dạng sinh học trong nước và nhập khẩu, đồng thời cắt giảm khí thải - Tất cả các giải  pháp đều phải được thực hiện theo cách công bằng.
 
WWF kêu gọi các chính phủ huy động thêm nguồn tài chính công và tư để hành động ở quy mô lớn và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn nữa về khí hậu, thiên nhiên và phát triển bền vững của quốc gia. Chính phủ và doanh nghiệp cần hành động để nhanh chóng loại bỏ các hoạt động có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và khí hậu, đồng thời chuyển dòng tài chính từ các hoạt động có hại, sang các hoạt động sẽ giúp đạt được các mục tiêu toàn cầu.
 
Bà Kirsten Schuijt, Tổng giám đốc WWF Quốc tế chia sẻ: “Mặc dù tình hình rất nguy cấp, nhưng chúng ta vẫn chưa tới điểm không thể quay lại. Chúng ta có các thỏa thuận và giải pháp toàn cầu để phục hồi thiên nhiên vào năm 2030, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện và hành động chưa cấp bách. Những quyết định và hành động trong năm năm tới sẽ đặc biệt quan trọng đối với tương lai của sự sống trên Trái đất này.”
 
Tiến sĩ Andrew Terry, Giám Đốc Bảo tồn và Chính sách của ZSL cho biết:Chỉ số Sức sống Hành tinh nhấn mạnh sự mất mát liên tục của các quần thể loài hoang dã trên toàn cầu và sự suy yếu của sự sống trên trái đất đang đặt chúng ta vào nguy cơ vượt qua các điểm giới hạn nguy hiểm. Nhưng chúng ta không bị mắc kẹt trong sự mất mát này. Chúng ta biết phải làm gì và chúng ta biết rằng, nếu có cơ hội, thiên nhiên có thể phục hồi - điều chúng ta cần bây giờ là tăng cường hành động và đặt tham vọng cao hơn nữa để đạt được mục tiêu.”
 
Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có độ đa dạng sinh học rất cao. Nhưng cũng giống như xu hướng trên toàn cầu, thiên nhiên VIệt Nam đang suy giảm một cách nghiêm trọng. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác đã triển khai nhiều sáng kiến để ngăn chặn xu hướng này và bắt đầu phục hồi đa dạng sinh học. WWF là một trong những tổ chức luôn cam kết và sát cánh cùng Việt Nam triển khai các chương trình lớn nhằm quản lý đa dạng sinh học, thắt chặt quản lý các khu vực được bảo vệ, tạo tác động trên toàn bộ một cảnh quan. WWF kêu gọi chính phủ, các tổ chức tài trợ, các tổ chức và lĩnh vực tư nhân tiếp tục hợp tác để mang lại sự giàu có của đa dạng sinh học cho Việt Nam.”

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:
Nguyễn Phương Ngân
, Điều phối Hoạt động Báo chí, WWF-Việt Nam,
email: ngan.nguyenphuong@wwf.org.vn; Tel: 0986117600

Ghi chú cho Biên tập viên
  • Chỉ số Sức Sống Hành tinh LPI cho thấy mức giảm trung bình 73% trong các quần thể động vật hoang dã có xương sống, được theo dõi trong chương trình, bao gồm động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá. Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong LPR phản ánh tỷ lệ thay đổi trung bình trong quy mô quần thể các loài được theo dõi, tại nhiều khu vực trên thế giới. Các con số này không thể hiện số lượng cá thể động vật hoặc số lượng quần thể mất đi.
  • Báo cáo LPR 2024 là ấn bản thứ 15 của loạt ấn phẩm tiêu biểu của WWF, được xuất bản hai năm một lần. Báo cáo đầy đủ (bằng tiếng Anh) có thể được tham khảo TẠI ĐÂY.
  • Xin lưu ý rằng đường cơ sở ban đầu - năm 1970 ở các khu vực là khác nhau. Ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, do những tác động ở quy mô lớn đến thiên nhiên đã xảy ra trước năm 1970, vì thế ở những vùng này chỉ số ít có xu hướng tiêu cực hơn. Bắc Mỹ ghi nhận mức giảm trung bình là 39%, trong khi châu Âu và Trung Á ghi nhận mức giảm là 35%.
  • Quần thể các loài cá di cư nước ngọt đã giảm 81% trong giai đoạn 1970-2020. Điều này cũng được xác nhận trong báo cáo Các loài cá bị lãng quên của sông Mekong. Báo cáo này tiết lộ rằng ít nhất 19% các loài cá được nghiên cứu trên sông Mekong đang trên đà tuyệt chủng và 18% được liệt kê trong sách Đỏ IUCN là Cực kỳ Nguy cấp. Cá đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của lưu vực sông  Mekong hỗ trợ cho các cộng đồng và nền kinh tế  trong toàn bộ khu vực.
  • Hệ thống năng lượng và thực phẩm là yếu tố chính thúc đẩy biến đổi khí hậu và mất thiên nhiên. Nhiên liệu hóa thạch đóng góp khoảng 70% lượng khí thải nhà kính. Sản xuất thực phẩm là nguyên nhân chính gây mất môi trường sống, chiếm 70% lượng nước sử dụng và chiếm hơn một phần tư lượng khí thải nhà kính.
  • Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để thúc đẩy các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và phúc lợi của con người nhằm giải quyết các vấn đề lớn của xã hội, trong đó có biến đổi khí hậu. Ví dụ, canh tác theo phương thức tái sinh và hoạt động phục hồi rừng, đất ngập nước và rừng ngập mặn có thể gia tăng khả năng lưu trữ carbon, cải thiện chất lượng nước và không khí, cải thiện an ninh lương thực và nước, đồng thời giúp bảo vệ chống xói mòn và lũ lụt.
  • Các quốc gia phải đệ trình các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP) đã được sửa đổi, phù hợp với Khung đa dạng Sinh học Toàn cầu trước Hội nghị COP16 về Đa dạng Sinh học tại Cali, Colombia (21 tháng 10 - 1 tháng 11 năm 2024). WWF đang kêu gọi các quốc gia xây dựng các kế hoạch này toàn diện và tham vọng hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh tài chính cho đa dạng sinh học.
  • Theo Thỏa thuận chung Paris, các quốc gia phải trình các kế hoạch khí hậu mới (Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định - NDC) vào năm 2025, đưa ra lộ trình về cách thức mỗi quốc gia sẽ đóng góp cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5oC. Các kế hoạch này phải bao gồm lộ trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Tại COP29 ở Baku, Azerbaijan (từ 11 tháng 11 - 22 tháng 11), WWF hy vọng các quốc gia sẽ đạt được đồng thuận về một mục tiêu tài chính khí hậu mới, tham vọng hơn và hướng đến đáp ứng nhu cầu giảm thiểu và thích ứng của các nước đang phát triển.
Giới thiệu về WWF
WWF là một tổ chức bảo tồn độc lập, với hơn 30 triệu người ủng hộ và mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Sứ mệnh của WWF là ngăn sự suy thoái môi trường tự nhiên của Trái đất và xây dựng một tương lai nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của trái đất, đảm bảo việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí. Truy cập www.panda.org/news để biết tin tức mới nhất.
 
Giới thiệu về ZSL
Được thành lập vào năm 1826, ZSL là một tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo tồn, lấy khoa học làm cơ sở, nhằm mục tiêu phục hồi động vật hoang dã tại Vương quốc Anh và trên toàn thế giới bằng cách bảo vệ các loài quan trọng, phục hồi hệ sinh thái, giúp con người và động vật hoang dã chung sống và truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên. Thông qua các vườn thú bảo tồn hàng đầu của chúng tôi ở London và Whipsnade, chúng tôi đưa mọi người đến gần hơn với thiên nhiên và sử dụng chuyên môn của mình để bảo vệ động vật hoang dã ngày hôm nay, đồng thời truyền cảm hứng về tình yêu động vật cho những nhà bảo tồn tương lai.
Báo cáo Sức sống hành tinh WWF năm 2024
© WWF