PHÁT HIỆN LOÀI THỰC VẬT MỚI-THU HẢI ĐƯỜNG HOA THƯA (BEGONIA LAXIFLORA) TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN ĐAKRÔNG, TỈNH QUẢNG TRỊ
Posted on November, 18 2024
Tỉnh Quảng Trị, Việt Nam, ngày 18 tháng 11 năm 2024 – Một loài thực vật mới thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae), có tên Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) đã được phát hiện trong rừng kín thường xanh tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Đây là kết quả của đợt điều tra bổ sung danh mục thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm tại khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC). Phát hiện có sự tham gia hợp tác của các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), Viện Điều tra, Quy hoạch rừng và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Loài thực vật mới này được cho là loài đặc hữu của Việt Nam - bổ sung quan trọng vào đa dạng sinh học phong phú của dãy núi Trường Sơn.Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Việc phát hiện loài thực vật mới Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrông là minh chứng cho cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại khu vực. Là nơi hội tụ của các luồng thực vật chính của Việt Nam, chúng tôi tin rằng nếu được đầu tư đúng đắn, số lượng loài bổ sung cho Khu Bảo tồn cũng như các loài mới cho khoa học sẽ còn gia tăng đáng kể. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các loài thực vật quý hiếm và hệ sinh thái độc đáo của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc duy trì di sản thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.”
Thu hải đường hoa thưa (Begonia laxiflora) được phát hiện mọc trên các sườn dốc đá granite ven suối. Loài này được phân biệt với các loài Thu hải đường khác bởi các cụm hoa dài và quả nang không lông, góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về đa dạng thực vật của Việt Nam.
“USAID cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học có tầm quan trọng trên toàn cầu. Việc phát hiện loài mới này là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả của chúng tôi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền các tỉnh thành thuộc khu vực dự án trong việc nâng cao công tác quản lý các Khu Bảo tồn.” Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường, USAID Việt Nam, cho biết.
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, do tổ chức WWF thực hiện, cho biết: “Rất có khả năng sẽ tiếp tục phát hiện nhiều loài thực vật và động vật mới tại dãy Trường Sơn trong những năm tới. Điều quan trọng là cần tiếp tục tăng cường bảo vệ những khu vực rừng này, dựa trên sự quyết tâm của Chính phủ và người dân Việt Nam cũng như sự đồng hành của các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học”.
Phát hiện một loài thực vật mới ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Dakrông mang ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung vào đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và bảo tồn hệ sinh thái của khu vực. Điều này cũng giúp chúng ta nhận biết sức khỏe của môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ thiên nhiên.
Về Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học – Dự án VFBC
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án do Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) là chủ dự án, được thực hiện từ 2021 đến 2026. Mục tiêu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và đồng thời duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Dự án chú trọng 14 khu rừng đặc dụng (RĐD) và 7 khu rừng phòng hộ (RPH), liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam. Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học được thực hiện bởi WWF- Hoa Kỳ và các đối tác khác như: WWF-Việt Nam, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Viện Nghiên cứu Động vật Leibniz, Re:wild, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Fauna & Flora.Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần (THP): THP6: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; THP7: Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; THP8: Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; THP9: Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.