WWF-VIỆT NAM: CAM KẾT ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ TRONG KHAI THÁC BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

Posted on December, 16 2024

Nha Trang, ngày 15 tháng 12 năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai tổng kết Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
Sự kiện công bố thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, WWF, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển, cùng các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường biển.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, WWF-Việt Nam vẫn cam kết đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng trong việc đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ và bảo tồn đa dạng sinh học. Tham gia và phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam ông Văn Ngọc Thịnh, đã gửi lời chúc mừng đến Bộ về thành công của việc xây dựng và phê duyệt Quy hoạch. Ông nhấn mạnh vai trò tiên phong và trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu như mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, và ô nhiễm môi trường.

WWF-Việt Nam, trong hành trình 30 năm đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng, đã triển khai thành công nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bao gồm phục hồi rừng ở cả trên đất liền và ven biển, phục hồi các loài nguy cấp, tạo sinh kế bền vững và phát triển các mô hình "thuận thiên". Những kinh nghiệm này sẽ tiếp tục đóng góp làm nền tảng để hỗ trợ triển khai Quy hoạch và tổng kết, sửa đổi Luật Tài nguyên và Môi trường biển.

Tại Hội nghị, WWF-Việt Nam đã đưa ra ba đề xuất cụ thể đóng góp cho giai đoạn thực hiện Quy hoạch, quản lý tài nguyên vùng bờ, cụ thể sẽ cùng tham gia phối hợp, hỗ trợ Bộ TN&MT
  1. Phục hồi và quản lý bền vững các hệ sinh thái quan trọng: WWF nhấn mạnh vai trò của việc phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô và tảo bẹ trong việc bảo vệ cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu. 
  2. Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: WWF cam kết hỗ trợ các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, đặc biệt tại các khu bảo tồn biển thông qua các dự án như giảm rác thải nhựa, hỗ trợ đàm phán thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa.
  3. Xây dựng các mô hình thuận thiên và OECMs ở khu vực ven biển: WWF đề xuất thiết lập các mô hình bảo tồn OECMs và theo hướng "thuận thiên", tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn thiên nhiên.
Với cam kết mạnh mẽ, WWF-Việt Nam sẽ tích cực đồng hành và hỗ trợ Bộ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, bao gồm các mục tiêu về đa dạng sinh học (GBF), bảo tồn 30% diện tích đất và biển vào năm 2030 (30x30), đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), và các thỏa thuận toàn cầu về bảo vệ môi trường biển. WWF sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, cung cấp nguồn lực khoa học và kỹ thuật, góp phần cùng Việt Nam đạt được các mục tiêu này, khẳng định vai trò quốc gia tiên phong trong bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2022, GDP trung bình của 28 tỉnh ven biển chiếm tới 50% GDP cả nước, khẳng định vai trò kinh tế chiến lược của khu vực này. Quy hoạch lần này đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể cho khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên phạm vi rộng. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Quy hoạch và việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo là bước đột phá nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Quy hoạch này không chỉ giúp sử dụng hợp lý tài nguyên, không gian biển mà còn hỗ trợ bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài."

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự tham gia và đóng góp của các tổ chức quốc tế, trong đó có WWF, vào việc xây dựng các mô hình kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái và quản lý bền vững tài nguyên khu vực ven biển.
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
© WWF-Viet Nam
Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị
© WWF-Viet Nam