WWF ra mắt dự án bảo tồn lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm - tiếp tục thực hiện cam kết bảo tồn tại Trung Trường Sơn

Posted on February, 26 2025

Khởi động Dự án Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn tại Thành phố Huế.
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện mục tiêu Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu và Chiến lược Quốc gia về Đa dạng Sinh học tại thành phố Huế” đã được ra mắt vào ngày 25 tháng 2 năm 2025. Đây là một nỗ lực mới nhất của WWF nhằm tiếp tục thực hiện cam kết bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của khu vực.
 
Dự án ra đời trong bối cảnh đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn đang bị suy giảm nghiêm trọng do mất môi trường sống, săn bắt trái phép, khai thác gỗ và tác động của biến đổi khí hậu, trong khi dân số của khu vực này là hơn 10 triệu dân, trong đó 11% là người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào tài nguyên thiên nhiên khu vực 
 
Trước những thách thức này, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học (NBSAP) trong đó việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng là một trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Nội dung này phù hợp với các mục tiêu của Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu (GBF) được 196 bên tham gia Công ước Quốc tế về Đa dạng Sinh học thống nhất vào năm 2022, trong đó kêu gọi sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, phụ nữ và thanh niên trong quá trình thực hiện.
 
Trong ba năm tới, 2025-2027, cùng với Thành phố Huế, Dự án mong muốn sẽ thực hiện các hoạt động ở cả Quảng Trị và Quảng Nam, nhằm hỗ trợ 3 địa phương và các cộng đồng triển khai các sáng kiến bảo tồn mới và duy trì, phát huy các kết quả bảo tồn hiệu quả đã có nhằm đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu của NBSAP và cam kết quốc tế trong công ước ĐDSH của Việt Nam. 
 
Cách tiếp cận của Dự án sẽ đề cao vai trò của tri thức truyền thống và quyền lợi của cộng đồng địa phương trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Dự án sẽ thực hiện thí điểm để công nhận một số mô hình khu vực bảo tồn hiệu quả ngoài khu bảo tồn dựa vào cộng đồng nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam ủng hộ mục tiêu số 3 của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu (Mục tiêu 30x30). Ngoài ra, dự án sẽ thúc đẩy đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học thông qua hỗ trợ nghiên cứu các chính sách về tài chính bền vững cho đa dạng sinh học cũng như hỗ trợ sinh kế cộng đồng vùng dự án. 
 
Chia sẻ thành tựu và bài học bảo tồn tại Quảng Nam và Thành phố Huế 
Cùng chiều, WWF và các đối tác thực hiện dự án “Dự trữ Các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học - CarBi giai đoạn 2” (2019-2024) đã cùng nhau chia sẻ bài học kinh nghiệm và thành tựu sau sáu năm thực hiện bảo tồn tại thành phố Huế và tỉnh Quảng Nam.

Bắt đầu từ năm 2019, sau khi giai đoạn 1 đạt được nhiều kết quả tích cực, CarBi 2 đã cùng các đối tác thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học quý hiếm Trung Trường Sơn, nâng cao sinh kế và hiểu biết về đa dạng sinh học của người dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới với Lào trong bảo vệ các loài hoang dã và khu bảo tồn. 

Dự án được thiết kế nhằm tạo ra tác động lâu dài, đồng thời phù hợp với cam kết của chính phủ Việt Nam và Lào trong việc thực hiện Công ước Đa dạng Sinh học. Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức là cơ quan tài trợ dự án thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KfW), là một phần của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).
 
Trong sáu năm vừa qua, một số tác động nổi bật của dự án bao gồm:
  • Tăng cường hiệu quả quản lý mạng lưới khu bảo vệ kết nối từ Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xesap với việc hỗ trợ mở rộng 02 KBT Sao la Huế và Quảng Nam. Với sự hỗ trợ của WWF, năm 2024, KBT Sao la Huế được mở rộng hơn 4.000ha và trở thành Khu Dự trữ Thiên nhiên Sao la với tổng diện tích hơn 19.000ha.
  • Tiếp tục hỗ trợ mô hình đội Bảo vệ Rừng (được thành lập ở Dự án CarBi 1) - những người ngày đêm tuần tra bảo vệ 02 KBT Sao la, giúp tần suất xuất hiện của các loài hoang dã đã ổn định hoặc gia tăng tại đây, đặc biệt ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của các loài nguy cấp, đặc hữu như tê tê, thỏ vằn và Trĩ sao. Cũng nhờ những nỗ lực này, tần suất hiện diện các mối đe dọa đối với các loài hoang dã đã giảm từ 64% năm 2011 còn 17% vào năm 2023. Mô hình này sau đó đã được nhân rộng và triển khai tại 21 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ tại miền Trung Việt Nam. 
  • Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới: hỗ trợ 02 tỉnh Quảng Nam và Huế hợp tác với 2 tỉnh Se-Kong, Salavan của Lào, nhằm bảo vệ rừng và động vật hoang dã tại các khu vực giáp ranh.
  • Thúc đẩy sự tham gia của Cộng đồng trong công tác bảo tồn thông qua các nhóm Bảo tồn Cộng đồng và mô hình Phát triển Cộng đồng (VDF). Đến nay, hơn 3.500 hộ gia đình sinh sống tại vùng đệm các KBT Sao la Huế và QN và VQG Bạch Mã đã được hưởng lợi từ chương trình. 
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Huế đánh giá:“Những thành quả dự án đã tạo ra sự phát triển ổn định của một vùng cảnh quan rộng lớn có giá trị cao về đa dạng sinh học, góp phần để Huế và Quảng Nam trở nên đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, làm tăng thêm giá trị của vùng đất miền Trung di sản văn hoá và là tiềm năng để phát triển cho Huế và Quảng Nam trong tương lai không xa.”
 
Tại buổi lễ, ông Thibault Ledecq, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam một lần nữa khẳng định:“Trung Trường Sơn là một trong những cảnh quan ưu tiên của WWF trên toàn cầu. Kể từ đầu thập kỷ 1990, WWF đã cùng các đối tác thực hiện nhiều nghiên cứu và hoạt động bảo tồn tại đây. Dự án CarBi kết thúc, nhưng WWF sẽ tiếp nối các thành công của dự án, lấy đó làm bài học kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động bảo tồn tiếp theo. Trong chiến lược sắp tới của tổ chức, WWF sẽ hợp tác với các đối tác để phát triển Trung Trường Sơn trở thành một sinh cảnh mẫu - có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế hài hoà với bảo tồn với hy vọng các sinh cảnh khác trong nước và khu vực có thể học tập và nhân rộng.”
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc WWF-Việt Nam, chia sẻ về định hướng chiến lược bảo tồn của WWF-Việt Nam trong thời gian tới.
© WWF-Việt Nam / Hue Lens
Hội nghị Tổng kết Dự án dự trữ CarBi II và Khởi động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Trung Trường Sơn.
© WWF-Việt Nam / Hue Lens
Bà Pơloong Lạc, đại diện Ban Quản lý Cộng đồng và phát triển sinh kế thôn Pho, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại sự kiện.
© WWF-Việt Nam / Hue Lens
Cán bộ WWF và các đối tác được ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ các cơ quan ban ngành trong quá trình triển khai chương trình bảo tồn.
© WWF-Việt Nam / Hue Lens