Một ngày trải nghiệm các mô hình sinh kế thuận thiên ở Đồng bằng sông Cửu Long

Posted on May, 26 2025

Ngày 26/5/2025, tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, ông Dermot O’Gorman – Tổng Giám đốc WWF-Australia – đã cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo WWF-Việt Nam và đại diện Dự án “Giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (CRxN)” có chuyến tham quan các mô hình sinh kế thuận thiên đang được triển khai tại vùng thượng nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dự án CRxN do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ, được WWF-Việt Nam triển khai từ năm 2022, tập trung phát triển sinh kế mùa lũ, sinh kế thân thiện với môi trường, khôi phục lại hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở vùng thượng lưu Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Long An và Khu bảo tồn Đất Ngập nước Láng Sen, được lựa chọn làm điểm triển khai trọng điểm, bởi đây là một trong những khu vực có vai trò quyết định đến nguồn nước và môi trường sinh thái của toàn vùng hạ lưu.

Sau chuyến thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên, ông O'Gorman đã đến thăm mô hình trồng nấm rơm 3 sạch của gia đình anh Trần Thành Tâm. Đây là một mô hình sinh kế tuần hoàn, tận dụng nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa được canh tác theo phương pháp 1 Phải 6 Giảm (1P6G) . Nhờ việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường và loại bỏ hoàn toàn hóa chất, mô hình không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, mà còn góp phần giảm lượng rác thải nông nghiệp và hạn chế ô nhiễm môi trường. Sản phẩm nấm rơm do dự án CRxN hỗ trợ kết nối tiêu thụ, nhờ đó đầu ra được đảm bảo, giúp hộ gia đình yên tâm phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Đoàn cũng ghé thăm hộ chị Phan Thị Thanh Thúy, thành viên Hội Phụ nữ xã Vĩnh Châu A, một trong những người hưởng lợi từ Quỹ xoay vòng của dự án. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, chị Thúy cùng nhóm phụ nữ địa phương đã phát triển nghề đan lát lục bình – biến một loài thực vật ngoại lai thành những sản phẩm thủ công có giá trị kinh tế. Mô hình không chỉ góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn mà còn thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường qua việc tận dụng tài nguyên sẵn có.

Điểm nhấn của chuyến đi là hoạt động khảo sát mô hình trồng sen – một trong những giải pháp sinh kế thuận thiên tiêu biểu được đánh giá cao tại vùng lũ ĐBSCL. Theo kết quả nghiên cứu của WWF-Việt Nam phối hợp với trường Đại học Cần Thơ, mô hình này giúp giảm phát thải khí nhà kính, duy trì nguồn nước, bổ sung phù sa và tăng cường đa dạng sinh học cho đất so với canh tác lúa ba vụ thông thường, đóng góp tích cực vào đề án Một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ.

Sau chuyến đi đến ĐBSCL, ông Dermot O’Gorman sẽ có cuộc gặp mặt tại Hà Nội với lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ban điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhằm thảo luận và tìm kiếm các cơ hội hợp tác bảo tồn trong tương lai.
Đoàn công tác tham quan mô hình đo đạc khí nhà kính ngoài ruộng lúa
© WWF-Viet Nam
Ông O’Gorman trải nghiệm đan giỏ lục bình
© WWF-Viet Nam
Ông O’Gorman trao đổi với WWF-Việt Nam và dự án CRxN
© WWF-Viet Nam