Kiểm kê đa dạng sinh học hệ sinh thái ngập nước VQG Mũi Cà Mau

Posted on 17 October 2022

Tại VQG Mũi Cà Mau, 21 cán bộ kiểm lâm và cán bộ khoa học nòng cốt của Vườn đã tham gia buổi tập huấn về định danh loài và thu thập mẫu động vật và thực vật trong tuần đầu tháng 10 vừa qua.
Việc định danh và kiểm kê các loài sẽ giúp cán bộ VQG Mũi Cà Mau lập kế hoạch và  đưa ra các giải pháp can thiệp để bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý hệ sinh thái đất ngập nước của khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và thứ 5 của Việt Nam. Đây là một hợp phần trong dự án kéo dài 4 năm do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sỹ (SDC) tài trợ thông qua WWF-Việt Nam. Dự án hướng tới quản lý và bảo vệ hiệu quả hệ sinh thái đất ngập nước của 3 khu Ramsar gồm VQG Mũi Cà Mau, VQG U Minh Thượng và KBT Đất ngập nước Láng Sen, cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Sau đây là một vài “fun fact” cho thấy quy mô, mức độ phức tạp cũng như sự thú vị của việc khảo sát, phân loại, định danh các loài theo nhận định của giảng viên từ Viện Sinh thái học Miền Nam: 
  • Có khoảng 250 đặc điểm có thể sử dụng để phân loại thực vật có hoa từ dạng cây, lá, cách mọc của lá đến các đặc điểm của hóa, trái, hạt, v.v….
  • Lai tạo là biện pháp hữu hiệu nhất để phân biệt loài, tuy nhiên cần thời gian rất dài, có khi hàng chục năm, để nghiên cứu một loài.
  • Cá Thòi lòi, nhóm cá sống được trong cả 2 môi trường dưới nước và trên cạn, là một dấu hiệu  quan trọng cho sức khỏe của hệ sinh thái ở Mũi Cà Mau.
  • Thời điểm tốt nhất để có thể chụp được những bức ảnh đẹp của các loài chim ở Mũi Cà Mau là từ 6h sáng đến 9h sáng và từ 15h chiều đến và 17h chiều, và có thể là đêm (nếu bạn muốn đi săn hình chim Cú chẳng hạn).
  • Tải app Vietnam Bird Guide – 1 sản phẩm made in Viet Nam để tra cứu tên chính xác của loài chim.  
Giảng viên- Tiến sĩ Lưu Hồng Trường đến từ Viện Sinh thái học Miền Nam đang hướng dẫn cách xử lý mẫu thực vật.
© Viện sinh thái học Miền Nam
Học luôn đi đôi với hành – các cán bộ của VQG đã được thực hành tại hiện trường, sử dụng các công cụ chuyên ngành phù hợp để tiến hành lấy mẫu và định danh các loài động vật và thực vật ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
© Viện sinh thái học Miền Nam
Thu mẫu động vật đáy không xương sống cỡ lớn (cua, tôm,...)
© Viện sinh thái học Miền Nam
Sau khi được tập huấn, các cán bộ bảo tồn của VQG Mũi Cà Mau sẽ phối hợp cùng với các nhà khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam kiểm kê đa dạng sinh học của khu Ramsar này. Trong ảnh là cá Thòi lòi - một loài cá rất đặc trưng ở khu vực đất mũi Cà Mau. Cá có tên là Thòi lòi vì đôi mắt to, tròn và lồi ở trên đỉnh đầu.
© Viện sinh thái học Miền Nam