WWF góp phần xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam

Posted on May, 22 2020

Xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp.
Nhằm đảm bảo tính hợp pháp của toàn bộ chuỗi cung ứng và xuất khẩu gỗ, Việt Nam đã xây dựng dự thảo Nghị định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Hệ thống này là một phần của Thỏa thuận đối tác tự nguyện (VPA) của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) về Thực thi Pháp luật, Quản trị và Thương mại Lâm nghiệp (FLEGT), mà Việt Nam là nước thứ ba trên thế giới ký kết vào tháng 10 năm 2018. VPA đảm bảo rằng gỗ xuất khẩu sang EU từ Việt Nam không đến từ các nguồn bất hợp pháp.
 
Việc xây dựng VNTLAS được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ của một số cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện hàn lâm, hiệp hội gỗ, công ty gỗ và chuyên gia trong ngành. WWF-Việt Nam, với tư cách là thành viên của Nhóm nòng cốt đa bên về FLEGT/VPA, đã gửi các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và tổ chức đối tác của WWF trên khắp Việt Nam, khu vực sông Mê Kông và châu Âu để đảm bảo có nhiều ý kiến và quan điểm đa dạng. WWF cũng hỗ trợ Cục Kiểm lâm, đầu mối xây dựng chính sách này, trong việc xem xét tất cả các ý kiến và xây dựng nghị định để đệ trình nhiều cấp phê duyệt của Chính phủ.
 
Bà Nguyễn Bích Hằng, Quản lý Chương trình Chuyển đổi Ngành lâm nghiệp của WWF-Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi vui mừng vì những ý kiến đóng góp của chúng tôi đã được lắng nghe và ghi nhận trong quá trình xây dựng VNTLAS. Đây có thể coi là một thành công lớn trong công tác bảo vệ rừng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng với chính phủ và các tổ chức lớn khác trong nước và trên thế giới để đảm bảo hệ thống này không chỉ củng cố chuỗi cung ứng gỗ bền vững ở Việt Nam mà còn đảm bảo có tác động thực sự tại cấp cơ sở về mặt bảo vệ rừng và sinh kế cộng đồng."
 
Hỗ trợ của WWF-Việt Nam cho công tác quản trị rừng là một phần của dự án "Tăng cường tiếng nói của các tổ chức ngoài công lập nhằm cải thiện quản trị rừng ở khu vực Mê Kông" (V4MF) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ và do tổ chức RECOFTC dẫn dắt.
 
Tính minh bạch và hiệu quả là hai ưu tiên chính của hệ thống mới, được WWF khuyến nghị trong giai đoạn xây dựng Nghị định. Ví dụ, quy trình phân loại doanh nghiệp được xác định là ưu tiên cần sự rõ ràng hơn trong thủ tục và tạo điều kiện tốt để mang lại hiệu quả hơn và là môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp để cải thiện chuỗi cung ứng bền vững. Ngoài ra, việc giám sát việc thực hiện VNTLAS sẽ được các tổ chức bên thứ ba đánh giá độc lập, điều này sẽ nâng cao vai trò giám sát của các tổ chức dựa trên cộng đồng và/hoặc phi chính phủ.
 
Như một cách đơn giản hóa việc xác định nguồn gỗ hợp pháp và giảm khối lượng công việc của Kiểm lâm, WWF và các tổ chức khác đóng góp ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hệ thống chứng nhận rừng quốc tế như Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) hoặc Chương trình Chứng nhận Rừng ( PEFC). Đề xuất này sẽ được đưa vào hướng dẫn thực hiện Phụ lục của dự thảo Nghị định như một phương pháp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.
 
Dự thảo Nghị định dự kiến sẽ được chính thức phê duyệt sau một số quy trình tham vấn với các bên liên quan và các cơ quan chính phủ. Ý kiến của WWF và các cộng sự trong chính sách dự thảo này là một sự thành công trong vận động chính sách trong khuôn khổ dự án hợp tác V4MF. Cải thiện chính sách này, tập trung vào kiểm soát chuỗi cung ứng hợp pháp và buôn bán gỗ hợp pháp, là một bước quan trọng để đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp được đưa vào chuỗi cung ứng, có nghĩa là bảo vệ tốt hơn cho rừng và đa dạng sinh học trên khắp Việt Nam và khu vực sông Mê Kông rộng lớn.
Vườn ươm cây giống tại công ty lâm nghiệp Tiền Phong, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam
© James Morgan / WWF
Ông Hồ Đa Thê tại lâm điền trồng keo đạt chứng nhận FSC, huyện Phú Lộc, Việt Nam
© James Morgan / WWF
Dãy Trung Trường Sơn
© WWF-Viet Nam / Nguyen Ngoc Quang