© Nguyen Ngoc Quang / WWF-Viet Nam
Rừng
Những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa, từ voi châu Á cho đến những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như Sao la.

Hàng năm vẫn có những loài mới được phát hiện trong những cánh rừng của Việt Nam, như cóc núi Elfin và thằn lằn cá sấu. Tuy nhiên, theo Giám sát Rừng Toàn cầu (Global Forest Watch – GFW), từ năm 2001 đến năm 2018, Việt Nam đã mất đi hơn 2.6 triệu héc-ta rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng so với năm 2000.

Những cánh rừng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang bùng nổ, tăng trưởng gấp đôi với kim ngạch đạt 9 tỉ đô-la Mỹ trong giai đoạn 2012-2018. Mặc dù tạo thêm được việc làm và cải thiện cuộc sống của hàng nghìn chủ hộ rừng lớn nhỏ cùng các cộng đồng địa phương, ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc quản lý và bảo vệ rừng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia láng giềng như Lào và Campuchia. Thêm vào đó, sự phát triển của nông nghiệp cũng đe dọa các khu rừng nguyên sinh bên trong và xung quanh các khu vực bảo tồn, phá hủy sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã và làm suy thoái giá trị các hệ sinh thái quý giá của chúng ta như nước ngọt và không khí sạch.

WWF

WWF đang nỗ lực tạo ra sự cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng và sự đa dạng sinh học của chúng, đồng thời vẫn đảm bảo sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. 

Chiến lược của WWF-Việt Nam bao gồm:

  • Giảm thiểu những tác động tiêu cực liên quan của hoạt động Lâm nghiệp đến môi trường ở cả trong nước và toàn cầu;
  • Các khu bảo tồn tại Trung Trường Sơn được bảo vệ hoặc quản lý tốt hơn; 
  • Mở rộng diện tích các khu bảo tồn và đảm bảo công tác bảo tồn được thực hiện hiệu quả; 
  • Bảo tồn rừng phòng hộ đầu nguồn thông qua các kế hoạch quản lý rừng bền vững;
  • Gia tăng số lượng rừng được quản lý tốt bằng cách áp dụng các phương thức sản xuất và quản lý rừng theo chứng chỉ quốc tế;
  • Khuyến khích thêm nhiều cộng đồng tham gia vào quản lý và bảo vệ rừng bền vững để cải thiện sinh kế tại địa phương dựa trên các cơ chế tài chính bền vững;
  • Phục hồi các hành lang rừng quan trọng và các khu vực bị phân mảnh;
  • Duy trì tỷ lệ mất rừng tự nhiên dưới 0.3%;
  • Tiếp tục tìm kiếm những chiến lược can thiệp mang tính đột phá để tăng cường bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan sẽ giúp đánh giá đầy đủ nhu cầu của tất cả các nhóm đối tượng có liên quan đến sức khỏe của rừng. Phương pháp này có sự tham gia của toàn bộ các bên tham gia trong cảnh quan ưu tiên, bao gồm chính phủ, đối tác tư nhân, cộng đồng địa phương và các tổ chức dân sự xã hội. Hợp tác cùng nhau sẽ giúp chúng ta xây dựng được những giải pháp không những phù hợp cho tất cả các bên mà còn đảm bảo đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động bảo tồn tại những khu vực quan trọng nhất về sinh thái của Việt Nam cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Tìm hiểu thêm về diễn đàn Giải pháp Rừng tại http://forestsolutions.panda.org

© Thanh The Vinh / WWF Viet Nam

Phục hồi Cảnh quan Rừng

Khu vực Trung Trường Sơn là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên liền mạch rộng lớn nhất châu Á
 

Tìm hiểu thêm

Quản lý Rừng Bền vững

Trên khắp thế giới, các vùng đất có rừng đã tạo ra nơi ăn chốn ở cho hơn 300 triệu người, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như thức ăn và nước ngọt cho thêm 1.3 tỉ người nữa.

Tìm hiểu thêm

© Martin Harvey / WWF

Hãy hành động!

Bạn có thể làm gì?