© Shutterstock / foxbat / WWF
Khí hậu và Năng lượng
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực, các loài và các cộng đồng mà WWF đang nỗ lực để bảo vệ. Trên thế giới, biến đổi khí hậu đã và đang gây tổn hại nặng nề tới nhân loại trong khi các hệ sinh thái và động thực vật hoang dã đang bị biến đổi vĩnh viễn.

Những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt như: đại dương bị axít hóa, nguồn nước đang thu hẹp lại, năng suất vụ mùa kém dần và những cánh rừng đang cháy rụi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thời gian để phòng tránh những hậu quả tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu, bằng cách chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp sử dụng năng lượng tái tạo thay cho nhiên liệu hóa thạch. Mục tiêu Toàn cầu của WWF là thúc đẩy thành công sự chuyển đổi trên toàn thế giới hướng đến một tương lai các-bon thấp và chống chịu được với khí hậu.

Theo Bảng Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Mặc dù trước đây, Việt Nam đã có những cam kết giảm thiểu khí phát thải nhà kính, nhưng những cam kết hiện tại về lĩnh vực năng lượng vẫn còn tương đối thấp. Trong bối cảnh hầu hết các hộ dân đều được tiếp cận với điện và các nguồn năng lượng khác, việc triển khai năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng. Hiện tại, lượng điện gió hoặc điện mặt trời được sản xuất trên cả nước mới ở mức 160 MW. Trước những thách thức và tiềm năng to lớn này, sự chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng bền vững đã trở nên cấp thiết.

© Le Huyen Dong / WWF-Viet Nam

WWF-Việt Nam đang thúc đẩy sự chuyển đổi hướng đến một tương lai các-bon thấp và chống chịu được với khí hậu cho cả con người và thiên nhiên, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc hạn chế sự nóng lên của trái đất ở dưới mức 1.5°C, với những mục tiêu sau:

  • Giảm nhẹ: Tác động nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam theo Mục tiêu Giảm nhẹ của Thỏa thuận Paris;
  • Năng lượng: Thúc đẩy để năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 52% toàn bộ sản lượng điện tại Việt Nam, đi kèm với mức tăng ít nhất 30% hiệu quả sử dụng năng lượng;
  • Thích ứng: Vận động để Kế hoạch Thích ứng Quốc gia Việt Nam được áp dụng tại các vùng ưu tiên bảo tồn của WWF nhằm xây dựng khả năng phục hồi sinh thái – xã hội trước các nguy cơ và tác động của khí hậu.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một trong hai khu vực ưu tiên bảo tồn của WWF-Việt Nam, WWF thúc đẩy các giải pháp Thích ứng dựa vào Hệ sinh thái. Giải pháp Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) coi đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái là một phần của một chiến lược tổng quan đáp ứng hài hòa các nhu cầu kinh tế và xã hội của cộng đồng địa phương. WWF đang xây dựng một môi trường thuận lợi để đẩy mạnh việc áp dụng EbA thông qua xây dựng các bộ công cụ kỹ thuật và khung chính sách hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện và lồng ghép EbA trong các chính sách và quá trình lập kế hoạch.

© Martin Harvey / WWF

Hãy hành động!

Bạn có thể làm gì?