Khuyến nghị chính sách: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam

Posted on April, 12 2023

Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách quản lý chất thải nhựa và cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR), Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF-Việt Nam (WWF-VN) đã hợp tác với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTNMT) thực hiện nghiên cứu về thực trạng tái chế và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam
Cơ chế EPR được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu cho Việt Nam trong thúc đẩy tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng và đã được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Nghiên cứu “Điều tra thực trạng tái chế và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam” được thực hiện trong năm 2022 với mục đích hỗ trợ, thúc đẩy thực thi các chính sách, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về EPR. Thông qua rà soát, hệ thống hóa các chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy tái chế chất thải nhựa; đánh giá tổng quan các công nghệ tái chế tại Việt Nam và một số công nghệ trên thế giới; khảo sát ngẫu nhiên 15 doanh nghiệp trên cả nước, nghiên cứu đã chỉ ra các cơ hội về chính sách hiện hành, tiềm năng nội địa trong tiêu thụ và năng lực tái chế, dư địa công nghệ cũng như các thách thức tương ứng đối với hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam. Từ đó, một số giải pháp nhằm thúc đẩy tái chế chất thải nhựa đã được khuyến nghị bao gồm: (i) tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; (ii) giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ; (iii) thực hiện thành công phân loại chất thải rắn tại nguồn; (iv) nâng cao trình độ quản lý và công nghệ, thúc đẩy chính thức hóa hoạt động tái chế ở các làng nghề; (v) xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường thông tin về kinh tế tuần hoàn và thị trường tái chế nhựa.