Kiểm kê đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen

Posted on May, 16 2023

Nằm ở phía Tây cách Tp. Hồ Chí Minh 3 giờ lái xe, Khu bảo tồn Đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen, được xem là vùng sinh thái tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười cũng như lưu vực sông Mekong. Những ngày tháng 4, đoàn chuyên gia gồm 9 người đến từ Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) đi khảo sát lấy mẫu động, thực vật ở Láng Sen.
Các mẫu vật và số liệu thu thập được từ chuyến đi sẽ là tư liệu quý giá để SIE cùng WWF-Việt Nam và Ban quản lý KBT ĐNN Láng Sen kiểm kê đa dạng sinh học xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng Web-GIS để quản lý đa dạng sinh học, từ đó có thể đưa ra các biện pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học của khu Ramsar thứ 2227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam.

“Kết quả khảo sát sẽ đưa ra câu trả lời cho công tác quản lý, khoanh vùng, và bảo vệ đa dạng sinh học vùng ĐNN. Cụ thể, việc điều tra cung cấp dữ liệu đầu vào để đo lường hiệu quả quản lý trong tương lai, hay sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống của các loài hay đa dạng sinh học của từng vùng.” , tiến sĩ Huỳnh Quang Thiện, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật, SIE chia sẻ. 

Đối với anh Thiện, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn động vật, những chuyến đi khảo sát như này mang lại cho anh rất nhiều điều. Anh Thiện cho rằng lợi ích của công việc nghiên cứu khoa học không phải là điều gì khô khan hay cao siêu. Đó đơn giản là niềm vui khi được tận mắt thấy và khám phá những loài  trước đây mình chưa bao giờ thấy, thậm chí chưa từng xuất hiện trên sách. Trong tương lai gần, niềm vui ấy sẽ được nhân đôi vì các kết quả, số liệu, và hình ảnh của chuyến khảo sát sẽ giới thiệu trực tuyến trên một nền tảng Web-GIS. Trên nền tảng này, tọa độ cụ thể của mỗi điểm phát hiện ra loài sẽ được ghi nhận kèm theo hình ảnh trực quan. Theo anh Thiện: “ Với nền tảng này, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ kết quả khảo sát, chẳng hạn hình ảnh những loài quý hiếm tới nhiều người hơn. Nó giống như một bảo tàng trực tuyến về loài vậy. Hi vọng, công chúng, đặc biệt là các em học sinh sẽ học được thêm điều bổ ích về đa dạng sinh học ở khu vực khảo sát nói riêng và Việt Nam nói chung”


Xuồng là phương tiện dùng để đi thu thập các mẫu động vật thuỷ sinh. Chiếc xuồng nhỏ, len lỏi qua các con kênh - © WWF-Việt Nam

Dụng cụ để thu thập gồm có gầu petersen. Đây dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu bùn, thu mẫu động vật đáy. Tại mỗi điểm lấy mẫu, trên diện tích là 0.1 m2,  chuyên gia sẽ thả gầu xuống và kéo lên 4 lần. Mẫu vật thu được sẽ được chia vào 2 lọ: định tính và định lượng, sau đó mang về phòng thí nghiệm để phân loại, đếm số lượng cá thể trên một đơn vị diện tích, từ đó tính ra số lượng của loài tại các điểm thu mẫu là bao nhiêu - © WWF-Việt Nam

Trong 5 ngày, nhóm nghiên cứu tiến hành  từ 9-15 điểm để thu thập  mẫu vật các loại động vật thuỷ sinh.- © WWF-Việt Nam

Nhóm chuyên gia 9 người chia thành 4 nhóm nghiên cứu, quan sát và thu thập mẫu vật của những đối tượng loài khác nhau, bao gồm cá, động vật không xương sống, động vật cạn và thực vật. Hoạt động diễn ra trên các sinh cảnh của KBT ĐNN Láng Sen là tràm, sen, lúa ma, cỏ năng, và kênh.  Trước đó, vào mùa mưa tháng 11.2022, nhóm cũng triển khai chuyến khảo sát tương tự. - © Viện Sinh thái học Miền Nam
Sau khi khảo sát tại 4 điểm trong một buổi sáng, nhóm đã thu được Cá sặc bươm, Cá trâm, Cá bã trầu, Cá lìm kìm, Cá sóc, Cá chốt. Tất cả đều là các loài phổ biến của vùng đất ngập nước.
© WWF-Viet Nam
Những hình ảnh đầu tiên về giao diện nền tảng Web-GIS về đa dạng sinh học sẽ được bản giao cho BQL KBT ĐNN Láng Sen vào tháng 12.2023.
© WWF-Viet Nam