WWF-Việt Nam cùng các tổ chức bảo tồn chủ động tham gia xây dựng lộ trình phát triển OECM tại Việt Nam

Posted on December, 18 2023

Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ, thảo luận thông tin về tiềm năng, định hướng phát triển, và các tiêu chí, quy trình xác định các Biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM); đặc biệt chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành OECMs của các quốc gia; và thảo luận về lộ trình phát triển OECM tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 15/12/2023, tại Hà Nội, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học/Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển OECMs tại Việt Nam” với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý chuyên ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, đại điện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của một số tỉnh thành đại diện cả ba miền, đặc biệt là có đại diện cộng đồng của một số mô hình đang thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương như Sơn La, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Tại Hội thảo, đại diện Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học đã chia sẻ các yêu cầu của quốc tế và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học liên quan đến Mục tiêu 30x30, định hướng của Việt Nam thực hiện OECM góp phần đạt mục tiêu này. Đại diện WWF-Việt Nam, Ông Vương Trọng Bình, Đầu mối Chương trình Đại dương đã chia sẻ nội dung về cách “Tiếp cận toàn diện trong OECM: đảm bảo sự tham gia đầy đủ từ cấp cơ sở và cộng đồng”  bao gồm  giới thiệu những nguyên tắc Quản trị công bằng trong quản lý và công nhận OECM trong bối cảnh nhiều khu vực tiềm năng có giá trị đa dạng sinh học đang được quản lý bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có các nhóm cộng động. Việc công nhận và quản lý OECM sẽ giúp tăng cường sự chủ động và vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học mà họ đang quản lý và làm chủ. Nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm của WWF-Việt Nam về cách tiếp cận công nhận OECM cụ thể: “Bất kỳ sự công nhận hoặc báo cáo nào về OECM do người dân và/hoặc cộng đồng địa phương quản lý đều phải dựa trên nguyên tắc “có sự đồng thuận, tự nguyện, báo trước và có đầy đủ thông tin của (các) cơ quan quản lý truyền thống”

Các phiên thảo luận nhóm cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các tổ chức bảo tồn trong nước như đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao (CERDA), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Loài nguy cấp (CBES) và đại diện ban quản lý Rừng Cộng đồng tại Quảng Nam. Sự tham gia tích cực và chủ động của các đại biểu này đã đáp ứng mong đợi của Dự án Voices for Diversity của WWF-Việt Nam nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới về bảo tồn đa dạng sinh học cho các tổ chức bảo tồn trong nước cũng như tạo cơ hội để các tổ chức này có thể tham gia đóng góp cho các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.

Đại diện WWF-Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trí Tín, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các Loài hoang dã cho rằng: “Việc triển khai công nhận OECM tại Việt Nam cần được tiếp cận một cách toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương. WWF mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc thí điểm công nhận một số mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, đóng góp cho việc hoàn thiện Khung pháp lý và các chính sách về công nhận và quản lý OECM ở Việt Nam trong những năm tới”.

Hội thảo này là một cơ hội quý báu để các bên cùng thảo luận về Lộ trình phát triển OECM tại Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm:  thành lập một nhóm công tác về OECM với sự tham gia của đại diện Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, các tổ chức bảo tồn và các chuyên gia, nhà khoa học; thành lập diễn đàn quốc gia để thực hiện phát triển OECM tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan để xây dựng các bước đi vững chắc tiếp theo sau năm 2025.
Ông Vương Trọng Bình, WWF-Việt Nam trình bày tại sự kiện
© GIZ/An
Ông Nguyễn Bá Thẩm, PanNature trình bày kết quả thảo luận Nhóm 3
© WWF-Viet Nam/Thanh Hai
Các đại biểu tham dự Hội thảo
© GIZ/An