MỖI NGƯỜI DÂN ĐỀU CÓ THỂ THAM GIA VÀO TIẾN TRÌNH CÂN BẰNG HỆ SINH THÁI: HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG VÀ MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI

Posted on June, 10 2024

NHA TRANG, KHÁNH HÒA – Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, biển và hải đảo, nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái.
Đó là lời kêu gọi được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông Đặng Quốc Khánh đưa ra tại Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tháng Hành động vì Môi trường Hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới và Môi trường Thế giới 2024. 

Năm nay, ngày Môi trường Thế giới đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa"

Việt Nam, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp , dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình. Hiện tượng El Nino, triều cường, kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong luôn ở mức thấp đã nghiêm trọng hóa tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, trên một phần ba tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp.

Trước tình trạng đó, giống với nhiều quốc gia, Việt Nam đang thực hiện chiến lược tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển nhằm bảo đảm nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển của quốc gia. 

“Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, biển có nhiều không gian để phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển,” Bộ trưởng cho biết. 

“Sẽ không còn thời gian cho phép chúng ta chần chừ. Đó là cuộc chạy đua với thời gian, cần hành động ngay lập tức, với sự tham gia của toàn xã hội để giải quyết ba thách thức: Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường và Mất đa dạng sinh học,” Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam phát biểu tại lễ phát động. 

Đến năm 2025 là tròn 30 năm WWF đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi lại các hệ sinh thái, môi trường sống tự nhiên cả trên đất liền và ngoài đại dương. Trong kế hoạch hành động, WWF-Việt Nam và các đối tác luôn ưu tiên cho việc truyền cảm hứng và kêu gọi cộng đồng hành động.  

Có thể kể đến những nỗ lực đưa rùa biển quay trở lại bãi biển, nơi chúng được sinh ra, để làm tổ sau khoảng 30 năm. Thông tin gần đây về việc rùa mẹ quay lại bãi biển Nhơn Hải, Quy Nhơn, Bình Định, làm tổ và đẻ trứng, hay mô hình tái thả rùa con ở Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm với trứng rùa mang từ Côn Đảo được ấp nở thành công luôn đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng tiếp tục hành động. 

Mới đây nhất, sau khi khảo sát, năm 2020, WWF đã phối hợp với chính quyền địa phương phát động sự kiện dọn bãi biển với sự tham gia của 300 tình nguyện viên gồm người dân sống quanh khu vực Hòn Yến, tỉnh Phú Yên và  thanh thiếu niên Câu lạc bộ Phú Yên Xanh. Năm “suối rác” và 500m bờ biển Hòn Yến đã được làm sạch bàn giao cho khu dân cư tự quản lý và tiếp tục giữ gìn, duy trì đến nay. 

Trùng hợp với lời kêu gọi “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, của Ngày Đại dương thế giới năm nay, trong giai đoạn 2024-2025 WWF-Việt Nam thực hiện ráo riết kế hoạch thông điệp về việc cần thiết và cách thức thiết lập các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác, gọi tắt là OECMs trong tất cả các đối tác có liên quan tại Việt Nam.

Hoạt động trên đóng góp thiết thực vào việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Quốc gia về Đa dạng Sinh học và Hành động (NBSAP), và cam kết của quốc gia đối với Sáng kiến Toàn cầu 30x30 về bảo tồn đại dương, đóng góp vào  Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2020.

Sáng kiến truyền thông trên nằm trong chương trình bảo tồn mới của WWF, Mekong in Balance, tập trung vào Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, được thực hiện xuyên suốt ở 5 quốc gia trong khu vực bao gồm Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.
Một cá thể rùa xanh mới nở tại Vườn Quốc gia Côn Đảo
© Nguyễn Diệu Thuý / WWF-Việt Nam