Quá tải rác: ngòi nổ cho “Cuộc xâm chiếm của rác thải”

Posted on June, 09 2020

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng ô nhiễm và quá tải bãi rác đang trở nên ngày càng cấp bách, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF-Việt Nam phối hợp cùng với Sở Tài Nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng/tỉnh Phú Yên/tỉnh Kiên Giang phát động chiến dịch truyền thông Cuộc xâm chiếm của rác thải trong tháng 5 năm 2020 với thông điệp chính “Rác sẽ đổ về đâu khi các bãi rác đều đã - đang quá tải và báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hãy dừng thải rác nhựa ngay hôm nay!”
Trong số 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa được thải ra trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt, và có tới 79% nằm lại tại các bãi rác hoặc thải trực tiếp ra môi trường.[1] Còn tại Việt Nam, có đến 60-70% lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp ở những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, theo số liệu 2018 của Ngân hàng Thế giới. Tình trạng bãi rác quá tải là một hiện thực trước mắt, không còn là nguy cơ, và thậm chí sẽ ngày càng trở nên nghiêm trong hơn. Bởi theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, dự kiến Việt Nam sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030. Không chỉ làm ô nhiễm không gian sống, sự thất thoát của rác thải ra môi trường còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến muôn mặt cuộc sống con người. Trẻ em đang mất dần những không gian trong lành, người lớn không còn chỗ để tập thể dục hay tản bộ mỗi sớm chiều. Những tác động của các bãi rác quá tải không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên không gian sống mà còn lên sức khoẻ và tâm lý của người dân địa phương, đặc biệt là những khu dân cư gần khu vực bãi rác lộ thiên. Những nỗi lo về nước rỉ rác ngấm vào nguồn nước, mùi hôi hay những hiểm hoạ về bệnh tật vẫn luôn hiện hữu. Bên cạnh đó, với thực trạng 80% rác thải ở đại dương xuất phát từ đất liền[2], sinh kế của hàng nghìn hộ dân - đặc biệt là người dân ở các thành phố biển đang bị đe doạ, tác động đến tình hình tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của các thành phố du lịch biển, đặc biệt là những khu vực rọng điểm bao gồm Đà Nẵng, Rạch Giá và Phú Yên.
 
Khối lượng rác thải nhựa (RTN) của một người Việt Nam thải ra trung bình mỗi năm cũng đã tăng đáng kể từ 3,8kg những năm 1990 tới 41kg năm 2015, tăng hơn 11 lần[3]. Có thể thấy, sự tiện dụng và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa dùng một lần cùng với nhịp sống hiện đại và thói quen tiêu dùng mới đã góp phần lớn trong việc gia tăng khối lượng RTN dùng một lần. Chỉ riêng năm 2018 tổng số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam đã lên tới hơn 5,1 triệu tấn.[4] Khối lượng rác thải lớn, tỷ lệ chôn lấp cao, cùng với khả năng không thấm nước, cản trở việc tiếp xúc với các điều kiện tự nhiên cần thiết như độ ẩm, độ thoáng khí, ánh sáng mặt trời… khiến quá trình phân huỷ của rác hữu cơ lâu hơn, rác thải nhựa khiến cho các bãi rác trở nên quá tải nhanh hơn. 
 
Bãi rác duy nhất của Đà Nẵng báo động quá tải
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thành phố (TP) Đà Nẵng, mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến tăng lên hơn 1.800 tấn/ngày trong gia đoạn 2020 - 2025; hơn 2.400 tấn/ngày trong giai đoạn 2025 - 2030, và hơn 3.000 tấn/ngày trong giai đoạn 2030 - 2040. Bên cạnh đó, theo số liệu khảo sát năm 2019 cuả WWF, tổng lượng RTN phát sinh từ các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ ước tính là 203 tấn/ngày; trong đó 20,8 tấn là số lượng RTN thất thoát ra môi trường mỗi ngày, tương đương với 7.592 tấn/năm. Tại nhà máy xử lý rác, RTN được phân loại bởi những người nhặt rác. Số liệu từ các nhà máy cho biết, trung bình có khoảng 20% túi ni-lông/nhựa lẫn trong rác thải sinh hoạt được thu gom lại để bán. Số còn lại (80%) được đem đi chôn lấp ở bãi chôn lấp Khánh Sơn, khu xử lý chất thải duy nhất của thành phố và chỉ còn kéo dài được vài tháng.
Những con số cảnh báo trên cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai. Để giải quyết bài toán về môi trường, chính quyền địa phương tính đến phương án nâng cấp và xây dựng các khu xử lý rác thải mới. Thế nhưng, chủ trương xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa người dân xung quanh khu vực này và chính quyền địa phương.
 
Rác thải tại 12 bãi chôn lấp ở tỉnh Kiên Giang đã và đang gây ô nhiễm môi trường 
Theo Báo cáo môi trường năm 2018 của tỉnh Kiên Giang, chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 672 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom đạt 89,4%; tỷ lệ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 38,43%. Lượng rác còn lại được thu gom về các bãi rác lộ thiên, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Riêng rác thải nông thôn phát sinh khoảng 440,05 tấn/ngày, trong đó chỉ có khoảng 26,85% (118,14 tấn) là được thu gom. Một phần nhỏ được tái chế, tái sử dụng để sản xuất phân bón, thu hồi năng lượng, còn lại không được thu gom, xử lý, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là làm gia tăng tình trạng ô nhiễm RTN. 
 
Hiện nay, địa bàn tỉnh có một lò đốt tại xã Tiên Hải và hai nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh là: nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và nhà máy Toàn Cầu. Các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh đều có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, nhưng các bãi chôn lấp này đều không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường. Hiên nay địa bàn tỉnh có 12 bãi rác thuộc danh mục gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có ba bãi rác đã đóng cửa.

90% bãi rác ở Phú Yên chưa chôn lấp hợp vệ sinh và đang đe dọa quá tải
Cũng như nhiều tỉnh thành ven biển khác, tình trạng ô nhiễm rác thải ở tỉnh Phú Yên rất đáng báo động. Sự phát triển kinh tế xã hội làm tăng nhu cầu về hàng hóa, nguyên liệu thô và năng lượng trong những năm gần đây. Lượng chất thải rắn thu gom tăng trung bình 10-16% mỗi năm, trong đó lượng chất thải rắn của thành phố chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn (theo Lê Hoàng Anh và cộng sự, 2018). Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP. Tuy Hòa là khoảng 132 tấn/ngày, thị xã Sông cầu khoảng 84 tấn/ngày, các huyện còn lại khoảng 308 tấn/ngày. 
Theo khảo sát của WWF ở Tuy Hoà 2019, RTN chiếm 18,31% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và có xu hướng ngày càng tăng. RTN chủ yếu gồm bao bì nhựa, cốc nhựa đựng nước, thực phẩm, vỏ bánh kẹo và ống hút nhựa. Nhiều nhất là túi nhựa và ly nhựa, ống hút nhựa chiếm đến 60% lượng RTN. Hầu hết túi nhựa có chất lượng kém và không thể tái chế như túi nhựa màu, vỏ bánh kẹo, ống hút chiếm khoảng 80% và rất ít rác thải nhựa bằng chất liệu có thể tái chế như HDPE, PET PVC. 
Toàn tỉnh Phú Yên hiện chỉ có 02 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động là bãi rác Thọ Vức tại TP. Tuy Hòa và bãi rác trung tâm Thị xã Sông Cầu. Tuy nhiên, hai bãi rác này đều đang gặp phải vấn đề không xử lý được nước rỉ rác, khiến các hộ dân sống trong vùng ô nhiễm nơm nớp lo sợ vì mùi hôi và nguy cơ nguồn nước thải từ bãi rác thẩm thấu vào nguồn nước sinh hoạt.

Thói quen nhỏ tạo ra những thay đổi to lớn
Chúng ta vốn nghĩ rất đơn giản rằng vứt rác vào thùng là xong. Nhưng thực tế thì không phải vậy! Một khi các bãi rác đã quá tải thì chính chúng ta sẽ gánh chịu trực tiếp những ảnh hưởng tiêu cực hàng ngày, hàng giờ. 
 
Chiến dịch Cuộc xâm chiếm của rác thải được phát động từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6 và nằm trong khuôn khổ dự án Đô thị giảm nhựa của WWF. Với sự phối hợp hành động Sở TN&MT của 3 tỉnh/thành Đà Nẵng, Rạch Giá và Phú Yên, chiến dịch mong muốn đẩy mạnh hơn nữa ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường thông qua những thông tin đáng tin cậy về nguy cơ và thực trạng rác thải, các bài chia sẻ, những câu chuyện truyền cảm hứng và lời kêu gọi cam kết hành động. Bên cạnh đó, đồng hành cùng chiến dịch còn có sự tham gia của các văn nghệ sĩ có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng như MC Phan Anh, MC Quang Bảo, ca sĩ Văn Mai Hương, ca sĩ Only C, Fashionista Châu Bùi… giúp truyền tải thông điệp của chiến dịch thông qua trang Facebook nhằm truyềng cảm hứng đến những người theo dõi các văn nghệ sĩ và gắn kết rộng rãi sự tham gia của cộng đồng mạng.
 
Đã đến lúc, chúng ta cần nghiêm túc giảm sử dụng nhựa dùng một lần cũng như thực hiện các biện pháp Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng để giảm tải cho bãi rác của thành phố nơi chúng ta sinh sống. Chính những thói quen nhỏ nhưng ý nghĩa này sẽ tạo ra tác động lớn, lan tỏa tinh thần hành động đến những người xung quanh, bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân yêu và góp phần xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội.
 
[1] Geyer và cộng sự, 2017.
[2] Báo cáo Ocean Conservancy
[3] Theo số liệu của MONRE, 2019
[4] Theo ước tính của WWF, 2020
Đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai.
© WWF-Viet Nam
Rác thải tại 12 bãi chôn lấp ở tỉnh Kiên Giang đã và đang gây ô nhiễm môi trường.
© WWF-Viet Nam
90% bãi rác tại Phú Yên chưa chôn lấp hợp vệ sinh và đang báo động quá tải
© WWF-Viet Nam