Giải pháp toàn diện cho ô nhiễm nhựa: thúc đẩy phát triển chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Posted on September, 07 2021

Phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), WWF-Việt Nam và Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) hỗ trợ xây dựng quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho ngành nhựa và bao bì trong nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020), trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ về hoàn thiện và thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về quản lý chất thải nhựa, thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược với ISPONRE, WWF-Việt Nam và Chương trình NPAP đã huy động các chuyên gia kỹ thuật nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ xây dựng nội dung về KTTH đối với nhựa và bao bì trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 và trong Kế hoạch thực hiện KTTH ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

WWF-Việt Nam, với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Đức tài trợ, và NPAP đang hợp tác và hỗ trợ các đơn vị quản lý nhà nước xây dựng các tài liệu hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương, bao gồm xây dựng một cơ chế hiệu quả về EPR, mô hình KTTH, và các quy định để giảm thiểu sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy sinh học.

Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường các quy định về KTTH là một phần của những nỗ lực trên và nhằm mục tiêu:  (1) Rà soát, hoàn thiệntiêu chí, chỉ tiêu và cơ chế khuyến khích áp dụng KTTH trong dự thảo Nghị định; (2) Hoàn thành đề xuất bộ tiêu chí, chỉ tiêu và cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình KTTH đối với nhựa và bao bì ở Việt Nam; (3) Xây dựng nội dung chi tiết về lộ trình, giải pháp để áp dụng các mô hình KTTH đối với lĩnh vực nhựa và bao bì trong dự thảo Kế hoạch thực hiện KTTH ở Việt Nam; (4) Đề xuất khung dự thảo Kế hoạch hành động về KTTH đến năm 2030 cho Việt Nam bao gồm một số nhiệm vụ ưu tiên nhằm xây dựng nội dung về KTTH trong lĩnh vực nhựa.

Hoạt động hợp tác với WWF-Việt Nam và NPAP được xây dựng tiếp nối từ các quan điểm và chính sách tiến bộ được chính phủ Việt Nam ưu tiên trong nỗ lực xúc tiến những thay đổi mang tính hệ thống đối với việc quản lý chất thải và ô nhiễm nhựa trong nước. Tháng 11 năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật BVMT, trong đó KTTH được quy định tại Điều 142, cũng như tích hợp nội dung và các công cụ chính sách hỗ trợ việc áp dụng KTTH tại một số Điều khác.

Để cụ thể quy định về KTTH, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên áp dụng KTTH, chỉ ra các tiêu chí cốt lõi, các cơ chế cần thiết để khuyến khích áp dụng KTTH. Trong đó, tiếp cận từ góc độ quản lý chất thải để tập trung ưu tiên áp dụng ở giai đoạn đầu đối với một số loại hình chất thải chính như nhựa, giấy, bao bì, nước thải, tro xỉ, thạch cao… Hỗ trợ kỹ thuật từ WWF-Việt Nam và NPAP góp phần cung cấp thêm các nghiên cứu và bằng chứng cho quá trình hoạch định chính sách này.

Theo Uỷ ban Châu Âu: “Một nền KTTH được giải thích là một nền kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và giảm thiểu việc tạo ra chất thải”. Nền KTTH có thể là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách như tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường. WWF và NPAP đều nhấn mạnh việc phát triển KTTH là giải pháp chủ chốt để giải quyết và loại bỏ ô nhiễm nhựa một cách toàn diện.

Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Ông Phạm Mạnh Hoài – Quản lý Đối tác và Chính sách Nhựa: hoai.phammanh@wwf.org.vn hoặc Bà Trịnh Thái Hà – Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam NPAP: ha.trinhthai@wwf.org.vn.
Rác thải nhựa đại dương gây ra những tổn hại nặng nề tại một rạn san hô ở Ấn Độ Dương, Zanzibar.
© Aqua Images_Shutterstock.com