Đối thoại chính sách và tham vấn Dự thảo Nghị định về kinh tế tuần hoàn: tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích cho lĩnh vực nhựa và bao bì

Posted on October, 05 2021

Ngày 24/9, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Viện CLCSTN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức chương trình đối thoại chính sách và tham vấn trực tuyến về chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đề xuất cho lĩnh vực nhựa và bao bì”.
Chương trình đối thoại chính sách và tham vấn được tổ chức với mục đích trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong nước và quốc tế, giúp hoàn thiện các quy định pháp lý và tiến tới xây dựng các kế hoạch triển khai, tiêu chí phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH).
 
Chương trình đã nhận được sự quan tâm tham dự của hơn 60 đại biểu từ các đại sứ quán, các doanh nghiệp (Nestlé, Dow, Tập đoàn An Phát Holdings, KCN Nam Cầu Kiền…), Hiệp hội doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, Liên minh Quốc tế Chấm dứt Rác thải Nhựa - AEPW), cùng các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường Đại học, viện nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn - ICED, Đại học Quốc gia Hà Nội - VNU, Đại học Kinh tế Quốc dân – NEU…) và các tổ chức quốc tế (Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF, Nền tảng Thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn - PACE, Quỹ Đổi mới Phần Lan - SITRA, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam - WWF-Việt Nam, Ngân hàng Thế giới - World Bank, Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ - USAID…).
 
Chủ trì chương trình - TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện CLCSTN&MT, đã chia sẻ về tính cấp bách trong việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định liên quan đến các nội dung về KTTH, những thách thức khi tiếp cận với phương thức mới về các mô hình phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, tối giảm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu được áp lực lên môi trường. 
 
Thông qua chương trình, Viện CLCSTN&MT mong muốn nhận được các ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đặc biệt từ các chuyên gia quốc tế liên quan đến: các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể về KTTH ở cấp độ quốc gia, ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các cơ chế chính sách khuyến khích, thứ tự ưu tiên về ngành, lĩnh vực và loại hình chất thải thực hiện KTTH ở Việt Nam và cách tiếp cận; cấu trúc của kế hoạch hành động thực hiện KTTH ở Việt Nam; kinh nghiệm thiết kế lộ trình, kế hoạch hành động thực hiện KTTH (ở các phạm vi và lĩnh vực khác nhau, bao gồm cấp quốc gia, địa phương; cấp ngành, doanh nghiệp, sản phẩm… ); kinh nghiệm về các hướng dẫn kỹ thuật áp dụng KTTH cho một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cách thức lồng ghép KTTH trong quản lý chất thải nhựa và bao bì.
 
Chia sẻ về thực trạng tại Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường của Viện CLCSTN&MT, đã có bài phát biểu về phương pháp tiếp cận, cập nhật tiến trình xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về KTTH nhằm thực thi hiệu quả Luật BVMT năm 2020. Nhóm chuyên gia cố vấn chính sách KTTH - TS. Nguyễn Thế Đồng và PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh đã đưa ra những nhận xét, kiến nghị và những đề xuất tiêu chí, chỉ tiêu KTTH, cơ chế khuyến khích, lộ trình, giải pháp và khung kế hoạch hành động đối với ngành nhựa và bao bì. 
 
Nhiều tham luận và thảo luận chuyên sâu liên quan đến kinh nghiệm quốc tế về thực hiện KTTH đã được các chuyên gia quốc tế trình bày: Bà Laura Järvinen - Trưởng nhóm Chuyên gia, Giải pháp Bền vững, Quỹ Đổi mới Phần Lan SITRA giới thiệu “Kinh nghiệm của Phần Lan trong việc phát triển KTTH: lộ trình, mục tiêu và chương trình chiến lược”; Ông Ashraf El-Arini - Chuyên gia Môi trường, Ngân hàng Thế giới trình bày “Cơ hội và thách thức thị trường, khuyến nghị can thiệp chính sách để thúc đẩy nền KTTH ở Việt Nam” với những báo cáo và số liệu chi tiết về phân tích dòng nguyên liệu và bản đồ chuỗi giá trị nhựa, tiềm năng khai thác từ việc tuần hoàn nhựa, các áp lực tác động đến giá trị lợi nhuận và tỷ lệ thu gom tuần hoàn tái chế, và đưa ra đề xuất giải pháp tuần hoàn nhựa cho Việt Nam với 12 hành động ưu tiên; và Bà Ke Wang - Trưởng nhóm, Nền tảng Thúc đẩy Nền KTTH, Diễn đàn Kinh tế Thế giới chia sẻ hiểu biết về “Chương trình hành động KTTH toàn cầu cho nhựa, dệt may, thực phẩm, điện tử và công cụ vốn”.
 
Phiên thảo luận thu hút được nhiều sự quan tâm và chia sẻ, kiến nghị giải pháp từ các đại biểu tham dự nhằm thúc đẩy triển khai KTTH một cách đúng hướng và khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Các đại biểu phân tích những biểu hiện của KTTH đã có tại Việt Nam, thảo luận phương cách chuyển đổi, tránh chồng chéo, phát huy vai trò tự chủ của doanh nghiệp, khuyến khích vận hành theo xu hướng thị trường, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế, đánh giá hiệu quả sinh thái, tìm kiếm những mô hình đi đầu và cách thức phát triển chiến lược truyền thông.

Nền KTTH có thể là một đòn bẩy quan trọng để đạt được các mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách như tạo ra tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường. Trong các hoạt động hợp tác với Viện CSCLTN&MT, WWF và NPAP đều nhấn mạnh việc phát triển KTTH là giải pháp chủ chốt để giải quyết và loại bỏ ô nhiễm nhựa một cách toàn diện. 

Kết luận chương trình, đại diện Viện CSTN&MT, TS. Mai Thế Toản bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tạo thành mạng lưới để trao đổi chuyên môn, kịp thời bổ sung cho dự thảo Nghị định và các văn bản liên quan về KTTH được quy định tại  Luật BVMT năm 2020 với đề xuất chi tiết cho lĩnh vực nhựa và bao bì, nhằm phù hợp bối cảnh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu giảm tiêu thụ, giảm khai thác tài nguyên thô (tài nguyên không tái tạo) và giảm áp lực đến môi trường.

(Nguyễn Ngọc Yến Nga, NPAP Việt Nam)
Chương trình đối thoại chính sách và tham vấn với sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế
© NPAP