© Thomas Cristofoletti / WWF-US
Hỗ trợ Quản lý Cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

Là mái nhà chung của hơn 17 triệu dân cùng một nền đa dạng sinh học trù phú với nhiều loại động thực vật, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như hệ sinh thái quốc gia.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khả năng tự phục hồi của khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hoạt động của con người, như xây dựng đập thuỷ điện ở thượng nguồn và khai thác cát ở các nhánh sông chính và phụ. Từ năm 2018 đến 2020, hoạt động khai thác cát tính riêng ở các nhánh sông của Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt 17,77 triệu tấn 1 năm - lớn hơn rất nhiều so với khối lượng 6,18 triệu tấn cát bồi đắp hằng năm. Chính những hoạt động thiếu bền vững này là nguyên nhân làm sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải, khiến hơn nửa triệu người đứng trước nguy cơ mất nhà. Khai thác cát cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro hạn hán và mưa lũ, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây.

Nếu không có những hành động phối hợp hiệu quả, những áp lực môi trường này có thể phá huỷ khả năng tự phục hồi của Đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của vùng đồng bằng này.

© Adam Oswell / WWF-Greater Mekong
WWF-Việt Nam đang làm gì?

Nhằm củng cố khả năng chống chịu với các ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững và biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, WWF đang triển khai dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) - BMU và do WWF-Đức chịu trách nhiệm quản lý. Các cơ quan cấp Bộ đang giám sát việc quản lý rủi ro về thiên tai, khai thác cát và đầu tư bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng là các đối tác quan trọng khác của dự án.

Mục tiêu của dự án

Dự án khởi động từ năm 2019 và dự kiến kết thúc vào năm 2024 với mục tiêu của dự án là đóng góp vào việc duy trì những chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu những tổn thương về mặt kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu gây ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cách tiếp cận của dự án

Để đạt được những mục tiêu đề ra, dự án, với sự tham vấn chặt chẽ của các bên liên quan, dự án sẽ thiết lập một ngân hàng cát toàn vùng đồng bằng để nâng cao nhận thức về phạm vi và tác động của tốc độ khai thác không bền vững.

Dự án cũng dự kiến sẽ làm việc với các tác nhân chủ chốt thuộc các khối công và tư để phát triển và đề xuất những chính sách và thực hành cải tiến (chẳng hạn như Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông) có liên quan đến khai thác cát và sỏi bền vững, và tiếp cận cộng đồng để nâng cao nhận thức về các hành động cần thiết để ứng phó với các ảnh hưởng của việc khai thác cát không bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn thế nữa, dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia và đối thoại giữa những đơn vị chủ chốt trong ngành xây dựng ở Việt Nam, cung cấp thông tin về những rủi ro liên quan đến khai thác cát và những cơ hội về nguồn cung ứng vật liệu bền vững thay thế cho cát sông và sỏi.

Đối tác chính của dự án

WWF đã làm được gì?

  • Một nghiên cứu tại bàn xác định những địa điểm chính để theo dõi dòng chảy của cát ở đồng bằng sông Cửu Long dựa trên các dữ liệu thứ cấp
  • Một bộ dữ liệu theo dõi mức độ nhận thức của 14 nguồn truyền thông chính về tác động của việc khai thác cát sông ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022
  • Một bảng phân tích và các bài học kinh nghiệm về các chính sách, quy định và thực hành khai thác cát sỏi cũng đã được đưa ra để xác định các thông lệ tốt nhất trong khuôn khổ quy định quốc tế có thể cung cấp cho các giải pháp có triển vọng nhân rộng để quản lý cát sông bền vững trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam

Các hoạt động tiếp theo

  • Nghiên cứu về Chuỗi Giá trị Cát ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, và TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
  • Nghiên cứu về các nguồn thay thế cho cát sông trong lĩnh vực xây dựng
  • Xây dựng kế hoạch bảo tồn Ổn định Hình thái Sông
  • Phát triển Ngân hàng cát cấp thiết trên toàn Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam
  • Kết nối với các bên liên quan chính về tầm quan trọng của cát, thực hành khai thác cát bền vững và các vật liệu thay thế

Liên hệ với chúng tôi

Nguyễn Hồng Trâm Anh - Cán bộ Truyền thông Dự án
anh.nguyentram@wwf.org.vn