© Asim Hafeez / WWF-UK
Xanh hoá ngành Dệt May
Vì sao cần xanh hoá?

Dệt May là một trong những ngành kinh tế chủ lực và xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Năm 2019, ngành đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị trên 39 tỷ đô la Mỹ. Nhưng Dệt May cũng là một ngành có tác động lớn tới môi trường với một số khâu trong chuỗi cung ứng tiêu thụ nguồn nước và năng lượng rất lớn, đồng thời xả nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm nặng từ hoá chất. Do vậy, ngành cần nỗ lực chuyển đổi từ một ngành có lợi thế cạnh tranh là chi phí sản xuất thấp nhưng gây hại cho môi trường sang một thương hiệu “hàng dệt may sản xuất bền vững tại Việt Nam”.

Phương pháp tiếp cận

‘Quản trị nguồn nước bền vững’ 

 

WWF kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, là các đơn vị vừa tạo ra tác động vừa phụ thuộc vào nguồn nước ngọt, lên tiếng và góp phần giải quyết thách thức toàn cầu thông qua việc tham gia hành trình ‘Quản trị nguồn nước bền vững’. Tham khảo thêm thông tin tại Quản trị Nguồn nước của WWF Quốc tế

Hình 1: Mô hình Thang Quản trị Nước Bền vững của WWF (2013)

© Charlotta Järnmark / WWF-Sweden
WWF-Việt Nam đang làm gì?

© VITAS

Được tài trợ bởi SDC, HSBC and Tommy Hilfiger, WWF-Việt Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan tổ chức trong nước, bao gồm Bộ Công Thương (MOIT), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và các đối tác khác trong nước và quốc tế để cùng hành động vì tầm nhìn xanh hoá ngành dệt may Việt Nam, hướng đến lợi ích bảo tồn thiên nhiên, kinh tế và xã hội cho quốc gia và toàn khu vực Mekong. Dự án, khởi động vào tháng 9 năm 2018 và kéo dài 4 năm, sẽ tác động và hỗ trợ các nhà máy dệt may sử dụng nước và năng lượng hiệu quả hơn. Dự án cũng đặt mục tiêu gắn kết các doanh nghiệp dệt may vào cơ chế quản trị sông Mekong, lập kế hoạch phát triển năng lượng bền vững và tạo cơ hội để khu vực tư nhân thảo luận kế hoạch hành động chung nhằm thu hút đầu tư và phát triển bền vững vào ngành dệt may.
 
Hoạt động dự án được thiết kế dựa theo bốn nhóm mục tiêu nhằm gắn kết các đối tác đa bên vào công tác quản lý sông ngòi, thực hành sản xuất tốt về nước và năng lượng, cải thiện cơ chế chính sách và đẩy mạnh các dự án đầu tư khả thi để huy động nguồn tài chính cho ngành (Xem Hình 1) 

Hình 2: 4 trụ cột trong phương pháp tiếp cận

© Charlotta Järnmark / WWF-Sweden

  • Tại cấp độ khu vực sông Mekong, WWF đã mời VITAS và đại diện doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham dự các hội thảo của ngành ở cấp vùng về phát triển bền vững vào các năm 2018 và 2019; 
  • Tại cấp độ doanh nghiệp dệt may, từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2019, dự án đã lập danh sách mạng lưới phân bố sản xuất dệt nhuộm trong vùng dự án và kiểm toán nước và năng lượng tại một số doanh nghiệp để đánh giá mức tiêu thụ các nguồn lực cơ sở; qua đó đề xuất một số giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nước và năng lượng cho một số cơ sở may mặc, dệt nhuộm;
  •  Để thúc đẩy tiếp cận tài chính xanh cho các dự án đầu tư, dự án đã phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng để triển khai các lớp tập huấn trong năm 2019 cho các ngân hàng lớn (BIDV, VCB, Vietinbank) về lồng ghép khung quản trị rủi ro Môi trường - Xã hội - Quản trị trong chính sách tín dụng. Một hội thảo về tài chính xanh cho ngành dệt may được tổ chức vào tháng 7 năm 2019 dành cho doanh nghiệp, hiệp hội và ngân hàng;   
  • Về hoạt động tác động chính sách và diễn đàn hành động chung, chúng tôi đang soạn thảo Hướng dẫn về Tầm nhìn và Kế hoạch Hành động Xanh hoá ngành Dệt May. Dự án cũng hỗ trợ và góp ý về nội dung cho chiến lược phát triển ngành 2020-2030, do Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. 

  • Đến 2021, phối hợp với Tổ chức Hợp tác Lan Thương – Mekong và Uỷ ban Dệt may Trung Quốc để thúc đẩy đầu tư bền vững từ các nhà đầu tư Trung Quốc vào các khu công nghiệp và ngành dệt may ở Việt Nam
  • Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức rủi ro nguồn nước và kiến thức kỹ thuật về các giải pháp sử dụng hiệu quả nước và năng lượng cho các doanh nghiệp dệt may;
  • Phối hợp với VITAS, VCCI để truyền thông sâu rộng về xu hướng chuyển đổi sang sản xuất bền vững trong các diễn đàn của ngành;
  • Đến 2022, hỗ trợ nghiên cứu khả thi tài chính cho các dự án đầu tư vay vốn của doanh nghiệp dệt may và nhân rộng đầu tư xanh trong ngành thông qua làm việc với các ngân hàng để lập dòng vốn tín dụng ưu đãi dành riêng cho chuyển đổi xanh của ngành; 
  • Gắn kết các tổ chức dân sự xã hội (CSOs), các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và cơ quan chính phủ để cùng hành động nhằm bảo tồn nguồn nước và chất lượng nước ở lưu vực sông Mekong và Đồng Nai;
  • Tiếp tục lập sơ đồ phân bố các nhà cung ứng dệt may ở Việt Nam và khu vực sông Mekong sử dụng dữ liệu củatổ chức Open Apparel Registry;
  • Làm việc với ZDHC (Chương trình Không xả thải Hoá chất Độc hại) để thúc đẩy việc nắm bắt và thực hành chương trình ZDHC trên toàn cầu, bao gồm ở Việt Nam;
  • Thăm dò khả năng phát triển một ứng dụng hỗ trợ việc chuyển giao các công nghệ và giải pháp cải thiện sử dụng nước và năng lượng trong khâu xử lý ướt