Tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về động vật hoang dã cho các Nhóm Bảo tồn Cộng đồng

Posted on November, 21 2022

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, Dự án VFBC tổ chức chuỗi 12 lớp tập huấn cho hơn 500 thành viên Nhóm Bảo tồn Cộng đồng và đối tác tại 6 tỉnh bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Nam và Vườn quốc gia Cát Tiên nhằm nâng cao hiểu biết về luật pháp liên quan đến động vật hoang dã.
Từ tháng 9 đến giữa tháng 11 năm 2022, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (Dự án VFBC) do USAID tài trợ đã tổ chức một chuỗi chương trình tập huấn về pháp luật và các quy định đối với động vật hoang dã (ĐVHD). Chuỗi tập huấn đã thu hút hơn 500 người tham gia, bao gồm thành viên của các Nhóm Bảo tồn Cộng đồng và các đối tác địa phương tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên.

Trên thực tế hầu hết người dân địa phương tại vùng đệm các khu bảo tồn rất khó tiếp cận được với các thông tin cập nhật về pháp luật và quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ ĐVHD. Việc nhận thức rõ ràng hay phân biệt hành vi vi phạm vì vậy mà trở nên hết sức khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, một trong những chiến lược chính của Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học là nâng cao kiến thức, năng lực cho các thành viên của Nhóm Bảo tồn Cộng đồng, đồng thời hỗ trợ họ trở thành những "nhà bảo tồn" góp phần ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái và động vật rừng.

Để hiện thực hóa chiến lược trên, những bài giảng, hoạt động đi kèm trong chuỗi tập huấn được thiết kế đơn giản, hấp dẫn, ưu tiên phát huy hình thức chia sẻ, trao đổi thông tin một cách chủ động giữa cách thành viên. 

Tham gia vào các lớp học, học viên không chỉ được cung cấp thông tin cơ bản theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và luật pháp hiện hành của Việt Nam, mà còn được hướng dẫn cách xác định hành vi vi phạm liên quan, các biện pháp xử lý an toàn khi phát hiện vi phạm về ĐVHD. Với phương pháp lấy học viên làm trung tâm, tất cả các học viên tham gia đều được đánh gia đầu vào, từ đó giúp giảng viên điều chỉnh nội dung và phương pháp phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, với nhiều kinh nghiệm giảng dạy về pháp luật liên quan đến bảo tồn, cùng với nhiều trải nghiệm thực tế trong các vụ án xét xử về hành vi vi phạm luật bảo vệ ĐVHD, giảng viên có thể lồng ghép hài hòa giữa kiến thức và thực tế, từ đó thu hút được sự quan tâm tham gia tích cực từ phía các viên.
 
Với tinh thần tự nguyện cùng với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của nỗ lực bảo tồn Đa dạng sinh học, các thành viên Nhóm Bảo tồn Cộng đồng cam kết sẽ đồng hành với dự án và chính quyền trong việc kêu gọi ngừng tiêu thụ thịt động vật hoang dã, và tuyên truyền thông điệp bảo vệ động vật, tài nguyên rừng đến gia đình, hàng xóm, và các cộng đồng xung quanh. Việc làm này sẽ giúp nhân rộng thông điệp, hành động thiết thực một cách hiệu quả cả trong và ngoài các khu bảo tồn.
 
Thành viên nhóm Bảo tồn Cộng đồng tại Quảng Nam tham gia tập huấn
© USAID Biodiversity Conservation